en ko vi

Tại sao trẻ chậm nói?

15/03/2022
Trẻ bị chậm nói có thể do nhiều nguyên nhân. Các yếu tố sau đây có thể góp phần gây ra sự chậm trễ trong phát triển kỹ năng nói hoặc hiểu ngôn ngữ của trẻ.


1. Bệnh lý thực thể

 Hở hàm ếch là một ví dụ điển hình của bệnh lý miệng ảnh hưởng tới lời nói. 

 Thắng lưỡi (phanh lưỡi) ngắn bất thường, làm hạn chế cử động của đầu lưỡi, cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng phát âm của trẻ. Bệnh thường được bác sĩ nhi khoa phát hiện trước khi trẻ bắt đầu nói, nhưng đôi khi cũng bị bỏ sót và chỉ được chẩn đoán khi trẻ có biểu hiện chậm nói. 

 Bệnh lý thần kinh như bại não, loạn dưỡng cơ, chấn thương não có thể ảnh hưởng tới các cơ cần thiết cho việc nói.

2. Bệnh lý vận động miệng, rối loạn xử lý âm thanh

Nhiều trẻ chậm nói gặp rắc rối tại các vùng não chịu trách nhiệm về nói, ví dụ bệnh loạn vận ngôn (mất phối hợp động tác trong việc nói). Lúc này, trẻ không kiểm soát được các cơ và phần cơ thể dùng để nói. Chẳng hạn môi, lưỡi hoặc hàm không thực hiện công việc bình thường để tạo một số từ nhất định. 

Rối loạn xử lý âm thanh là tình trạng mất khả năng hiểu âm thanh của lời nói. Trẻ thuộc nhóm này có thể điều trị tốt bằng âm ngữ trị liệu.

3. Chậm phát triển nói chung

Chậm nói có thể liên quan tới các chậm phát triển khác. Tất nhiên mỗi trẻ đều phát triển theo tốc độ riêng nhưng bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ nếu bắt đầu nhận thấy các kỹ năng khác của trẻ cũng phát triển chậm hơn bình thường. Đặc biệt chú ý nếu phát triển vận động và nhận thức của trẻ không theo kịp độ tuổi. 

Chậm nói liên quan tới chậm phát triển có thể bao gồm nói rất ít (hoặc hoàn toàn không nói), có vẻ không hiểu những gì người khác nói, nhại lại lời người khác hoặc nói không biểu cảm, không ngữ điệu.

4. Khuyết tật trí tuệ, bệnh khó học, bệnh tự kỷ

 Khuyết tật trí tuệ là nguyên nhân thường gặp gây chậm phát triển lời nói và ngôn ngữ.

 Trong bệnh khó học, do não hoạt động không hiệu quả, trẻ có thể gặp khó khăn trong: phát ra âm thanh lời nói, sử dụng ngôn ngữ nói để giao tiếp, hiểu điều người khác nói. Rối loạn lời nói và ngôn ngữ thường là dấu hiệu sớm nhất của trẻ khó học. 

 Bệnh tự kỷ làm ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp. Rối loạn lời nói và ngôn ngữ thường là biểu hiện sớm của bệnh tự kỷ.

5. Bệnh lý về thính giác, nhiễm trùng tai

Bệnh lý về thính giác cũng khá phổ biến ở trẻ chậm nói, vì vậy trẻ cần được kiểm tra thính lực khi có lo ngại về khả năng nói. Trẻ mất thính lực gặp khó khăn trong hiểu ngôn ngữ của người xung quanh cũng như giọng nói của chính mình. Khả năng hiểu và nắm bắt các từ của trẻ thường thấp, trẻ không thể bắt chước các từ và nói đúng hoặc nói trôi chảy.

Không ít trẻ mắc nhiều đợt viêm tai trước khi được 3 tuổi. Bệnh nhiễm trùng tai nếu được điều trị kịp thời và không gây rắc rối sẽ không làm tăng nguy cơ chậm nói. Tuy nhiên, viêm tai giữa mạn tính có thể ảnh hưởng tới ngôn ngữ. Nếu bệnh tồn tại dai dẳng, không đáp ứng với điều trị và thường xuyên tái phát thì cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng.

6. Yếu tố môi trường, trẻ sinh non

Trẻ không được quan tâm và không được nghe những người khác nói sẽ không thể học nói. Sinh non có thể dẫn tới nhiều dạng chậm phát triển, trong đó có chậm phát triển ngôn ngữ.

Tác giả bài viết: BS. Trần Thu Thủy

Nguồn tin: Theo Bệnh viện Nhi TW

Xem thêm các tin khác

ADHD và rối loạn hành vi phá hoại (CD và ODD)

ADHD và rối loạn hành vi phá hoại (CD và ODD)

ADHD và sự hung hăng

ADHD và sự hung hăng

ADHD và thay đổi tâm trạng

ADHD và thay đổi tâm trạng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây