en ko vi

Phản ứng thường gặp của bệnh nhân/ gia đình khi nhận được chẩn đoán ASD (rối loạn phổ tự kỷ)

06/12/2021
Thời điểm biết chính bản thân mình hoặc con của mình bị mắc chứng Rối loạn phổ tự kỷ (ASD - Autism Spectrum Disorder) là một thời điểm nhiều cảm xúc. Mỗi người, mỗi gia đình sẽ phản ứng theo những cách rất khác nhau. Theo ghi nhận của OHSU - Oregon Health & Science University thì có 6 phản ứng thường thấy của mọi người khi nhận tin mình hoặc con mình mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
 


Cha mẹ thì vì yêu thương con nên sẽ cảm thấy rất đau lòng khi nghĩ rằng mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn với con. Còn với người trưởng thành khi nhận chẩn đoán bản thân bị ASD thì cảm xúc cũng sẽ rất khác nhau. Một số người cảm thấy nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng hiểu rõ hơn về bản thân, còn một số khác có thể cảm thấy choáng.

Việc đối mặt và chấp nhận chẩn đoán ASD không phải trải nghiệm một lần mà nó thường có tính lặp lại. Có thể có lúc mọi việc diễn ra tốt đẹp nên bạn cảm thấy là mình đã chấp nhận chẩn đoán, nhưng sau đó chuyện gì đó xảy ra, kích thích cảm xúc, bạn lại thấy không thể chấp nhận được.

Theo phản ánh của chính những người trong cuộc thì có thể bạn sẽ trải qua những trạng thái cảm xúc sau khi nhận được chẩn đoán ASD:

Sốc hoặc bối rối

Ngày mà chính bạn hoặc con của bạn được chẩn đoán mắc ASD có thể bạn sẽ cảm thấy rất choáng và hoang mang. Vì vậy, một số người không chấp nhận chẩn đoán, trở nên giận dữ hoặc đòi "ý kiến thứ hai" từ bác sĩ khác. Một số người "ngắt kết nối" và cố gắng lờ tin đó đi, trong khi số khác không biết phải đối mặt như thế nào. Lần đầu đối mặt với một tin sốc như vậy, bạn cần phải có thời gian để có thể xử lý và tiếp nhận.

Buồn

Một số người than khóc cho những mất mát mà họ nghĩ mình hoặc con mình có thể sẽ có được. Đôi khi thật khó chấp nhận khi nhận ra thật không công bằng khi bạn hoặc con bạn sẽ gặp khó khăn với một số việc. Vì vậy, cảm giác buồn, thất vọng là bình thường, và khóc sẽ có ích. Nếu là cha mẹ thì điều quan trọng là bạn không thể để cho nỗi buồn xâm chiếm mình quá lâu, vì bạn là tất cả những gì mà con cần. Thay vào đó hãy bắt đầu lên kế hoạch về cách để giúp bản thân và con có thể bước tiếp. Dù chỉ mới vạch được bước đầu tiên của kế hoạch thì bạn cũng sẽ cảm thấy mình có khả năng kiểm soát nhiều hơn.

Cảm giác tội lỗi

Nhiều người có cảm giác tội lỗi. Họ tự hỏi liệu có phải do họ khiến con mình bị ASD không, hay liệu có gì đó họ đã có thể làm để phòng tránh hay không. Mặc dù nguyên nhân của ASD chưa được xác định, nhưng chúng ta biết rằng không thể kiểm soát nó. Nghiên cứu cho thấy rằng ASD có liên quan về di truyền và những thay đổi trong sự phát triển não xuất hiện rất sớm. Tỉ lệ ASD ở các nhóm sắc tộc và chủng tộc trên toàn thế giới là tương tự, do đó đại đa số người ta chấp nhận là ASD không phải do các yếu tố môi trường hay y tế cụ thể nào.

Giận dữ

Bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn khi nhìn con mình gặp khó khăn với những thứ mà đối với những trẻ khác là tự nhiên và dễ dàng. Nên đôi khi bạn có thể cảm thấy giận dữ với những người khác, với người bạn đời của mình, giận dữ với chính bản thân mình hoặc chỉ đơn giản là giận mà không nhắm tới bất kỳ ai cụ thể. Điều này là hoàn toàn tự nhiên. Ngay cả nhiều năm sau này, cũng vẫn sẽ có lúc bạn cảm thấy giận giữ vì có vẻ mọi việc thật không công bằng. Nhiều khi người khác không hiểu rằng bạn đang bị tổn thương và cần được hỗ trợ. Vì vậy, chia sẻ, trò chuyện với những người có hoàn cảnh và trải nghiệm tương tự, có thể sẽ giúp ích cho bạn.

Cô đơn

Cảm giác này có thể thường xuất hiện rồi biến mất đối với các cá nhân và cha mẹ có con khuyết tật. Bạn có thể sẽ cảm thấy có vẻ như là không ai có thể hiểu hoặc những người xung quanh không phải trải qua những khó khăn giống vậy. Những người không bị khuyết tật hoặc không có con khuyết tật sẽ khó có thể hiểu được những gì bạn đang trải qua. Bạn nên chia sẻ với họ những khó khăn bạn gặp phải để họ có thể thông cảm và hỗ trợ cho bạn.

Chấp nhận

Khi đến giai đoạn chấp nhận, nghĩa là bạn đã có thể nhìn vào thực tế và sống chung với ASD, đồng thời cũng sẵn sàng vận động để bảo vệ những gì mà bạn và gia đình của bạn cần. Tuy nhiên, chấp nhận là một quá trình liên tục, không phải là giai đoạn cuối cùng.

Bài viết được chuyển ngữ từ ASD HANDBOOK

Nguồn tin: sgf.org.vn

Tổng điểm nội dung là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá

Xem thêm các tin khác

5 bước để nhận ra điểm mạnh ở trẻ

5 bước để nhận ra điểm mạnh ở trẻ

Các loại điểm mạnh ở trẻ em

Các loại điểm mạnh ở trẻ em

Cách khen ngợi giúp xây dựng lòng tự trọng cho trẻ em

Cách khen ngợi giúp xây dựng lòng tự trọng cho trẻ em

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây