en ko vi

8 lầm tưởng về người mắc ADHD

28/05/2024
Nhờ những nghiên cứu hình ảnh não bộ và các nghiên cứu khác, chúng ta đã hiểu biết nhiều về ADHD. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hiểu lầm gây ra sự nhầm lẫn và khiến cho những người mắc ADHD khó khăn trong việc nhận được sự hỗ trợ cần thiết ở trường học, công việc và cộng đồng.
8 lầm tưởng về người mắc adhd
 

Lầm tưởng 1: ADHD không phải là bệnh lý và là trạng thái không có thật

⇒ Sự thật:

Các tổ chức uy tín về sức khỏe như Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention) và Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) đều công nhận ADHD là một sự khác biệt trong quá trình phát triển của não bộ. Thực tế, đây là một trong những tình trạng phổ biến nhất ở trẻ em. Hàng triệu trẻ em và người lớn ở Mỹ mắc phải chứng rối loạn này.

Nghiên cứu cho thấy ADHD có tính di truyền - một trong bốn người mắc ADHD có cha mẹ cũng mắc bệnh. Các nghiên cứu hình ảnh não bộ cũng cho thấy sự khác biệt về phát triển não bộ giữa những người mắc ADHD và những người không mắc bệnh.

Nếu bạn từng tiếp xúc hoặc có người thân mắc ADHD, bạn sẽ hiểu rõ ràng tình trạng này là hoàn toàn có thật và ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày. 

Lầm tưởng 2: Người mắc ADHD chỉ cần cố gắng tập trung hơn là được

⇒ Sự thật:

ADHD không phải là vấn đề về động lực hay lười biếng. Trẻ em và người lớn mắc bệnh thường cố gắng hết sức để tập trung chú ý, chỉ có điều là họ khó có thể tập trung được.

Yêu cầu người mắc ADHD "chỉ cần tập trung" giống như yêu cầu một người cận thị nhìn xa hơn. Lý do khiến họ gặp khó khăn trong việc tập trung không liên quan đến thái độ. Đó là vì sự khác biệt về cấu trúc não bộ và khác trong cách não bộ của họ hoạt động.

Lầm tưởng 3: Người mắc ADHD không bao giờ có thể tập trung

⇒ Sự thật:

Đúng là người mắc ADHD thường gặp khó khăn trong việc tập trung. Nhưng nếu họ thực sự hứng thú với điều gì đó, họ có thể tập trung vào nó một cách mãnh liệt. Đây được gọi là trạng thái "tăng tập trung" (hyperfocus).

Một số trẻ em mắc ADHD dễ dàng bị sao nhãng trong lớp học nhưng lại không thể rời mắt khỏi trò chơi chúng đang chơi. Người lớn mắc ADHD có thể gặp khó khăn trong việc tập trung vào những công việc nhàm chán, nhưng lại dồn hết tâm sức vào những khía cạnh mà họ thực sự yêu thích.

Lầm tưởng 4: Tất cả trẻ mắc ADHD đều rất hiếu động

⇒ Sự thật:

Mẫu hình thường gặp về trẻ em mắc ADHD là chúng luôn chạy nhảy và không thể ngừng di chuyển. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em mắc ADHD đều có biểu hiện hiếu động. Đối với những trẻ có biểu hiện này, mức độ hiếu động thường giảm dần hoặc biến mất khi trẻ lớn hơn.

Có ba loại ADHD. Một loại hoàn toàn không ảnh hưởng đến mức độ hoạt động. Loại ADHD này đôi khi được gọi là ADD, chủ yếu ảnh hưởng đến khả năng tập trung.

Lầm tưởng 5: Chỉ bé trai mới mắc ADHD

⇒ Sự thật:

Bé trai có tỷ lệ được chẩn đoán mắc ADHD cao hơn gấp đôi so với trẻ em gái. Nhưng điều đó không có nghĩa là bé gái không mắc bệnh. Chỉ đơn giản là các bé gái dễ bị bỏ qua và không được chẩn đoán. Một phần lý do là vì ADHD có thể biểu hiện khác nhau ở bé trai và bé gái. Bé gái thường ít gặp vấn đề về hiếu động và kiểm soát hành vi hơn bé trai. Chúng có thể có vẻ "mơ mộng" hơn.

Lầm tưởng 6: ADHD là một dạng rối loạn học tập

⇒ Sự thật:

ADHD không phải là một dạng rối loạn khả năng học tập. Các triệu chứng của ADHD có thể ảnh hưởng đến việc học tập, nhưng chúng không gây ra khó khăn trong các kỹ năng cụ thể như đọc, viết và toán. Tuy nhiên, một số rối loạn học tập thường đi kèm với ADHD. Đây cũng có thể là một phần lý do dẫn đến sự nhầm lẫn này.

Mặc dù ADHD không phải là rối loạn học tập, điều đó không có nghĩa là trẻ em không thể nhận được sự hỗ trợ ở trường. Người lớn mắc ADHD cũng có thể được hỗ trợ tại nơi làm việc.

Lầm tưởng 7: Trẻ em mắc ADHD sẽ hết bệnh khi lớn lên

⇒ Sự thật:

Hầu hết trẻ em không hoàn toàn hết bệnh ADHD, mặc dù một số triệu chứng có thể giảm bớt hoặc biến mất khi chúng lớn hơn. Các triệu chứng ADHD cũng có thể thay đổi theo tuổi và trẻ có thể học được cách kiểm soát chúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng hoàn toàn biến mất. Hầu hết những người mắc ADHD sẽ tiếp tục có các triệu chứng cho đến khi trưởng thành.

Lầm tưởng 8: Trẻ bị ADHD là do cha mẹ dạy dỗ kém

⇒ Sự thật:

ADHD là do sự khác biệt trong não bộ, không phải do cha mẹ dạy dỗ kém. Tuy nhiên, một số người khi nhìn thấy trẻ em nghịch ngợm, hành động theo cảm xúc nhất thời hoặc không chịu lắng nghe thì cho rằng đó là do trẻ thiếu kỷ luật. Họ không nhận ra rằng những điều họ đang thấy là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe, chứ không phải là kết quả của việc cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ làm gì đó sai trái.

Nguồn tài liệu

Nội dung trong bài viết này được chuyển ngữ và biên tập từ bài gốc cùng tên "8 common myths about ADHD (understood.org)".

Nguồn tin: understood.org

Xem thêm các tin khác

5 bước để nhận ra điểm mạnh ở trẻ

5 bước để nhận ra điểm mạnh ở trẻ

Các loại điểm mạnh ở trẻ em

Các loại điểm mạnh ở trẻ em

Cách khen ngợi giúp xây dựng lòng tự trọng cho trẻ em

Cách khen ngợi giúp xây dựng lòng tự trọng cho trẻ em

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây