Tìm hiểu về rối loạn phối hợp vận động ở trẻ tự kỷ
1. Phối hợp vận động là gì?
Phối hợp vận động là quá trình có ý thức của não bộ phản ứng hướng đến mục tiêu dựa trên thông tin từ cảm giác đến môi trường để thực hiện các hành động khác nhau theo trình tự liên quan đến các hoạt động thường ngày.
Ở trẻ có rối loạn phối hợp vận động, trẻ lúng túng ở một hoặc vài bước cần để vận động, gây khó khăn đến nhiều hoạt động. Từ “Praxis” nghĩa là một tập hợp các bước phức tạp của não và cơ thể cần làm để hoàn thành được một việc.
Praxis dựa vào hệ thống giác quan làm việc hiệu quả. Khó khăn với praxis thường là dấu hiệu của những vấn đề về xử lý giác quan. Praxis không phải là điều gì mà bạn sẽ dùng hay không; chúng ta dùng praxis nhiều hơn khi chúng ta làm một hoạt động mới và ít hơn khi chúng ta đã làm nó hàng triệu lần.
Các hệ thống giác quan liên quan đến Praxis như:
- Cảm nhận hệ khớp và hệ cơ (Hệ vận động)
- Thăng bằng và chuyển động (Tuyến tiền đình)
- Chạm và cảm nhận (Xúc giác)
- Nghe (Thính giác)
- Nhìn (Thị giác)
- Nếm (Vị giác)
- Ngửi (Khứu giác)
Những ví dụ về các loại thông tin cảm giác khác nhau mà con người cảm nhận được thông qua các giác quan. Luồng thông tin mà trẻ nhận được từ môi trường xung quanh có ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động hàng ngày của trẻ bao gồm cả giờ ăn.
Ví dụ: Các trải nghiệm cảm giác của trẻ trong giờ ăn và các giác quan tham gia:
- Ánh sáng trong phòng => Nhìn (Thị giác)
- Thức ăn được đặt trong chén bát có màu sắc => Nhìn (Thị giác)
- Tiếng ồn của từ những trẻ khác trong phòng ăn => Nghe (Thính giác)
- Cảm giác của trẻ khi ngồi trên ghế ăn hoặc tư thế để ăn => Chạm/Cảm nhận (Xúc giác)
- Cách người chăm sóc cười với trẻ khi cho trẻ ăn => Nhìn (Thị giác)
- Mùi hương của thức ăn khi đưa gần miệng trẻ => Ngửi (Khứu giác)
- Hương vị của thức ăn và thức uống trong miệng trẻ => Nếm (Vị giác)
- Cấu trúc của thức ăn cảm nhận được khi trẻ đưa thức ăn vô miệng hoặc trẻ cảm nhận bằng tay khi tự chạm vào thức ăn => Chạm/Cảm nhận (Xúc giác)
- Cảm giác dạ dày trống rỗng trước khi ăn hoặc cảm giác no sau khi trẻ ăn xong bữa ăn => Cảm nhận bên trong cơ thể (Nội thụ cảm)
Praxis bao gồm các bước như sau:
Tạo ý tưởng:
Nói đơn giản, đó là biết làm gì và có ý tưởng sẽ làm như thế nào. Đây là một bước bạn thường làm khi tham gia các trò chơi, khi bạn chuẩn bị làm hoặc thậm chí nghĩ về trình tự các động tác phức tạp, nhất là các động tác mới - ví dụ, học một điệu nhảy mới.
Lên kế hoạch:
Đây là quá trình não và cơ thể bạn trải qua để quyết định sẽ làm như thế nào - ví dụ, di chuyển chân thế nào trong điệu nhảy mới. Quá trình này hoạt động trong suốt hoạt động vì não và cơ thể liên tục chỉnh sửa kế hoạch để đáp lại những thông tin mới, như là chân của bạn nhảy đang làm gì hay nhịp của bản nhạc. Thường thì khi mọi người nói đến thuật ngữ lên kế hoạch cho các vận động (motor planning), họ đang nhắc đến toàn bộ quá trình praxis. Thực ra lên kế hoạch cho các vận động là bước thứ hai của quá trình praxis.
Thực hiện:
Là khả năng cơ thể hành động biến ý tưởng và kế hoạch đã xuất hiện trong đầu thành hành động. Việc thực hiện còn tùy thuộc vào lượng giao tiếp diện rộng giữa trung tâm vận động của não (motor cortex) và các cơ — ví dụ, di chuyển chân tay nhịp nhàng theo điệu nhảy mới.
Cơ chế phản hồi:
Đánh giá kết quả của hành động vừa xảy ra dựa trên cơ chế phản hồi, hình thành được bản đồ cơ thể và bản đồ không gian. Trải nghiệm về vận động được lưu trữ trong trí nhớ.
Giải quyết vấn đề:
Cơ thể đánh giá kết quả sau hành động vừa xảy ra, điều chỉnh hành động và phát hiện kế hoạch mới. Tạo điều kiện tạo ra các hình mẫu trong đầu, cho phép não bộ dự đoán trước tác động của hành động.
Xác định trình tự:
Sau khi được phản hồi và hình thành bản đồ không gian, cơ thể tích hợp quá trình vô thức và có ý thức, lập kế hoạch hành động và xác định trình tự hành động theo thời gian, trong tương quan bản đồ không gian.
2. Rối loạn thần kinh về vận động ở trẻ
Dyspraxia là tên gọi của chứng mất phối hợp động tác hay còn gọi là rối loạn vận động ở trẻ. Trẻ em thường phát triển khả năng để thực hiện các hoạt động đơn giản, chẳng hạn như ngồi, đi bộ và nói chuyện theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, việc mắc chứng rối loạn thần kinh vận động khiến bé thiếu sự phối hợp giữa tâm trí và cơ thể để thực hiện các hoạt động như dự kiến. Ví dụ như khi bé nghĩ đến việc đứng dậy và bước đi nhưng não bộ không phát ra những tín hiệu phù hợp với cơ thể để thực hiện các hành động này
3. Đặc điểm về rối loạn vận động ở trẻ
- Trẻ có khó khăn về phối hợp vận động thường có những đặc điểm sau:
- Khó khăn về vận động tinh khi làm thủ công, mỹ thuật, dùng kéo và viết chữ
- Khó khăn về vận động thô, như là ném, đá, hoặc bắt bóng, hoặc nhảy bật cao cả hai chân
- Khó khăn trong các hoạt động đòi hỏi phải phối hợp hai chiều (dùng cả hai tay cùng lúc trong một hoạt động)
- Luôn miễn cưỡng hoặc không chịu thử hoạt động mới
- Đòi là người cuối cùng tham gia các hoạt động vận động quen thuộc hoặc mới
- Hành động giống như chú hề trong lớp, người luôn ngã nhào hoặc bước thoăn thoắt
- Khó làm các động tác bắt chước trong các trò chơi như là “Simon nói”
- Không làm được các động tác thành thục theo hướng dẫn bằng lời
- Dễ bị ngã và hay gặp phải tai nạn
- Khó khăn khi tự thực hiện việc vệ sinh cá nhân.
- Khó khăn trong những hoạt động đòi hỏi khả năng tự giữ thăng bằng và những loại vận động
- Trí nhớ kém, khó khăn trong việc tổ chức và làm theo hướng dẫn
- Chậm phát triển kỹ năng nói, nghe và chơi những trò chơi đòi hỏi trí tưởng tượng.
- Gặp khó khăn khi tương tác với các bạn cùng trang lứa.
- Rất nhạy cảm với tiếng ồn, ánh sáng, v.v...
- Hay có xu hướng va vào những đứa trẻ khác.
- Dễ bị vướng chân
- Thường chậm tiếp thu, dễ mắc phải chứng rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc chứng khó đọc.
4. Hỗ trợ rối loạn vận động ở trẻ
Hiện nay chưa có phương pháp đặc biệt nào để điều trị chứng rối loạn thần kinh về vận động ở trẻ. Tuy nhiên, mẹ có thể áp dụng một số phương pháp để cải thiện tình trạng của trẻ như sau:
Tăng cường rèn luyện thể chất.
Giáo dục thể chất giúp trẻ rèn luyện kĩ năng phối hợp và giao tiếp hiệu quả giữa bộ não và các bộ phận cơ thể. Hãy dạy cho trẻ một số môn thể thao như đi xe đạp hay bơi lội để giúp trẻ cải thiện kỹ năng vận động. Chơi những môn thể thao đồng đội giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội. Ngoài ra, các bài tập hàng ngày có thể giảm thiểu nguy cơ béo phì ở trẻ.
Giao “nhiệm vụ” cụ thể cho trẻ.
Nó giúp bé thực hiện các hoạt động thường xuyên một cách dễ dàng. Những bài tập vật lý trị liệu có thể dạy bé kỹ thuật để thực hiện các nhiệm vụ đơn giản cũng như khó khăn, theo dõi sự tiến bộ và hướng dẫn bé từng bước để hướng bé đến một cuộc sống độc lập.
Giao cho bé những nhiệm vụ lớn hơn:
Điều này liên quan đến các hoạt động thường xuyên nhằm tăng cường kỹ năng vận động của bé. Bạn có thể quan sát sự tiến bộ của bé đối với những nhiệm vụ mà trước đó bé phải rất khó khăn để hoàn thành.
Các bài tập giác quan và phối hợp vận động hai bên cơ thể.
- Cải thiện cảm giác cơ thể: các vận động toàn thân (tích hợp xúc giác, cảm nhận bản thể và tiền đình.
- Tập bài tập vận động hoặc các động tác yoga liên quan đến 2 bên cơ thể.
- Tận dụng các bài tập liên quan đến vận động trong không gian.
- Sử dụng các hoạt động liên quan đến bắt chước (mirror cells)
5. Bài tập yoga hỗ trợ rối loạn vận động
Đối với trẻ tự kỷ, tập yoga thường xuyên có thể giúp trẻ tăng sự tự tin, đồng thời phát triển các kỹ năng vận động, kỹ năng xã hội và và sự tự nhận thức bên trong của trẻ. Ngoài ra, các bài tập hít thở sâu cùng với các động tác nhẹ nhàng cũng sẽ giúp trẻ kiểm soát các cơn kích động. Không những vậy, đây còn là các động tác phối hợp các chi khác nhau trên cơ thể, phối hợp cùng bên hoặc khác bên, cải thiện khó khăn về vận động thô mà trẻ tự kỷ đang gặp phải
Ngoài ra, môi trường êm dịu, yên tĩnh của buổi tập yoga còn giúp loại bỏ các kích thích khó chịu như tiếng ồn lớn, đèn sáng, mùi mạnh.... Điều này giúp hệ thần kinh nhạy cảm trẻ ít bộc phát hơn. Dưới đây là một số tư thế bố mẹ có thể cùng trẻ tập tại nhà
Tư thế mặt bò
Cách thực hiện tư thế mặt bò
- Ngồi thẳng, duỗi 2 chân trước mặt
- Nhẹ nhàng gập chân trái và vòng xuống dưới mông bên phải
- Gập chân phải và đặt lên đùi trái
- Cố định vị trí 2 đầu gối của 2 chân lồng lên nhau
- Từ từ gập tay trái, vòng ra sau lưng
- Vươn tay phải qua vai và gập lại hướng ra sau, cố gắng kéo căng để 2 tay có thể chạm vào nhau ở sau lưng. Sau một thời gian luyện tập, bạn có thể đan 2 tay lại sau lưng một cách dễ dàng
- Giữ thân thẳng, hướng về phía trước, mở rộng ngực
- Giữ tư thế trong một khoảng thời gian bạn cảm thấy thoải mái, hơi thở nhẹ và sâu. Tập trung vào hơi thở.
- Thả ra và đổi bên
Với tư thế này khi trẻ thực hiện cần phối hợp linh hoạt hai bên tay để thực hiện động tác, cải thiện khó khăn trong việc phối hợp phát triển vận động ở trẻ tự kỷ.
Tư thế con bò – mèo:
- Chống người bằng hai tay và đầu gối, căn chỉnh sao cho cổ tay nằm bên dưới vai và đầu gối nằm bên dưới hông.
- Lúc này, cột sống sẽ là một đường thẳng nối vai với hông.
- Nhón các ngón chân.
- Đẩy mông lên cao, lưng võng xuống hết mức có thể, mở ngực.
- Đầu ngẩng cao hướng lên trần nhà mà không di chuyển cổ.
Tư thế cái bàn cân bằng:
- Đặt cả hai tay ở phía trước với lòng bàn tay trên thảm tập, các ngón tay hướng về phía trước.
- Nâng người lên và chống đỡ bằng lòng bàn tay và đầu gối. Điều chỉnh và đưa lòng bàn tay xuống thẳng phía dưới vai. Điều chỉnh và đưa đầu gối thẳng hàng dưới hông. Cũng như mắt cá chân thẳng hàng với đầu gối.
- Hít vào đồng thời nâng chân phải lên và về phía sau và cánh tay trái nâng về phía trước sao cho cả cánh tay và chân song song với mặt đất. Hít thở bình thường và duy trì tư thế này miễn là bạn cảm thấy thoải mái.
- Để thả lỏng, đưa cánh tay trở lại thảm tập và đồng thời đưa chân phải xuống sàn và trở lại tư thế cái bàn cân bằng.
- Lặp lại tư thế với chân trái nâng về phía sau và cánh tay phải giơ ra trước. Thực hiện trong 50 giây liên tục.
Tư thế cái cây:
- Bắt đầu bằng tư thế đứng, hai chân chụm vào nhau, hai bàn tay đặt lên hông. Dồn trọng lượng cơ thể lên chân trái, chân phải gập cong lại, bàn chân phải đặt lên phần đùi trong của chân trái. Bạn có thể bắt đầu từ những điểm thấp hơn như mắt cá chân, và nâng cao dần lên nếu chưa quen tập.
- Lòng bàn tay úp vào nhau, đặt phía trước ngực ở tư thế cầu nguyện. Khi hít vào, mở rộng vòng tay qua vai, tách hai bàn tay ra và đối mặt với nhau.
- Giữ tư thế 30 giây đến 1 phút. Hạ thấp xuống và lặp lại ở phía đối diện.
Lợi ích của tư thế cái cây: Giúp cân bằng và phối hợp, tăng cường chân và cột sống
Tư thế chó duỗi mình:
- Bắt đầu với tư thế bò trên tấm thảm (lòng bàn tay, đầu gối và các ngón chân phải chạm thảm).
- Dồn lực vào phía trong của 2 lòng bàn tay.
- Hít sâu, nâng đầu gối lên khỏi mặt đất, gót chân không được chạm mặt đất. Đẩy người lên từ từ, nâng cao hông và mông lên.
- Thở ra, đè phần ngực xuống sàn, cố gắng duỗi thẳng sống lưng, giữ thẳng phần tay sa cho từ mông đến cổ tay xếp thành một đường thẳng.
- Từ từ duỗi thẳng phần chân.
- Giữ tư thế này trong vòng 1 phút (hoặc thay phiên khụy gối với phương pháp: 1 bên khụy 1 bên thẳng trong vòng 1 phút).
- Kết thúc động tác, từ từ quay trở lại vị trí ban đầu theo thứ tự ngược
Nguồn tin: Vinmec
Xem thêm các tin khác
ADHD và chủ nghĩa hoàn hảo
Những người mắc chứng ADHD thường không được coi là người cầu toàn. Nhìn bề...
ADHD và gian lận
Quay bài/ gian lận một hoặc hai lần là khá phổ biến đối với trẻ em. Chúng có thể...
Tại sao một số trẻ ADHD thích làm trò trong lớp học?
Luôn có những đứa trẻ ở trường hay thích làm trò và muốn trở thành trung tâm của...