PHIM VỀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT | Cuộc đời cô gái tự kỷ Temple Grandin
Không đơn thuần là câu chuyện về một người nỗ lực vượt lên sự khiếm khuyết để thành công, “Temple Grandin” như một lời tuyên ngôn đanh thép rằng người mắc chứng tự kỷ là những người đặc biệt và họ hoàn toàn có thể làm nên điều phi thường. Và thay vì tỏ thái độ kì thị hay xa lánh, chúng ta nên quan tâm, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt của họ.
Sơ lược về Temple Grandin
Mary Temple Grandin (sinh ngày 29 tháng 8 năm 1947) là một tiến sĩ người Mỹ, giáo sư Đại học Tiểu bang Colorado, tác giả có sách bán chạy, nhà hoạt động vì quyền của người bệnh tự kỉ, nhà tư vấn cho ngành chăn nuôi về hành vi động vật và là kĩ sư. Bà cũng là người sáng chế ra dụng cụ “hộp ôm” có khả năng giúp người tự kỉ lấy lại sự bình tĩnh. Bà nằm trong danh sách Time 100 những người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong hạng mục “Heroes”.
Grandin sinh tại Boston, Massachusetts, có cha mẹ là Richard Grandin và Eustacia Cutler. Bà được chẩn đoán mắc chứng tự kỉ vào năm lên 2 – tức năm 1949. Khả năng nói của bà chậm phát triển và lên 4 thì bà mới bắt đầu nói. Bà tự nhận mình là người may mắn vì nhận được sự hỗ trợ của những người thầy ở trường học. Tuy nhiên, theo bà thì giai đoạn học cấp 2 và cấp 3 là khoảng thời gian khó khăn bởi sự kém cỏi trong kĩ năng giao tiếp của bản thân. Bà bị mọi người chế nhạo là “đứa trẻ lập dị”. Vào thời gian đó, mỗi khi bước trong hành lang trường học thì các đồng môn lại chế giễu bà là “cái máy ghi băng” bởi bà liên miệng lập lại lời mình nói. Grandin tâm sự: “Giờ thì tôi thấy buồn cười khi nghĩ về chuyện đó, thế nhưng lúc đó tôi thấy tổn thương lắm.”
Sau khi tốt nghiệp trường dự bị Hampshire (Hampshire Country School) ở Rindge, New Hampshire vào năm 1966, bà tiếp tục học cử nhân tâm lý học tại Trường Đại học Franklin Pierce vào năm 1970, rồi thạc sĩ về khoa học thú vật ở Đại học Tiểu bang Arizona vào năm 1975, rồi tiến sĩ khoa học thú vật ở Đại học Illinois tại Urbana-Champaign vào năm 1989.
Hiện tại thì Temple Grandin đã bảy mươi tuổi và bộ phim lấy các dấu ấn lớn trong cuộc đời bà khi còn trẻ để có được một con người truyền cảm hứng của hôm nay. Phim có sự tham vấn của Grandin qua diễn xuất của nữ diễn viên tài năng Claire Danes (cô cũng giành luôn giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của giải Quả Cầu Vàng cho bộ phim này).
Phiên bản phim điện ảnh chân thực
"I don’t want my thoughts to die with me, I want to have done something!"
(Tôi không muốn những suy nghĩ sẽ xuống mồ theo mình, tôi muốn làm được điều gì đó!)
Bà đã thay đổi cách nhiều người trên thế giới nhìn về người tự kỉ (bạn có thể xem đoạn Ted Talk nổi tiếng của bà sau khi phim ra mắt, có nhắc tới một số phân cảnh trong phim được bà kể lại từ cuộc đời mình). Họ không phải là người khiếm khuyết hơn mà họ đặc biệt hơn; ta nhớ tổng thể và họ nhớ chi tiết; ngôn ngữ là phương tiện đầu tiên mà ta tư duy, nhưng họ lại là những người tư duy hình ảnh vượt bậc; kể cả những thứ ta vui rồi ta buồn ta quên, họ vẫn nhớ mạnh mẽ qua từng giác quan, sống với chúng bất kì lúc nào họ muốn (hoặc không).
Bộ phim đã tinh tế cho người xem được tiếp cận cách nhìn của người tự kỉ với mọi thứ diễn ra trong cuộc sống, tạo ra cảnh quan bên ngoài và cả bên trong nhân vật: những hình ảnh xẹt ngang trong đầu nhân vật chính, sự quá tải của các giác quan đối với người tự kỉ, các đồ họa miêu tả cách nhân vật tư duy….
Temple Grandin trong phim lẫn ngoài đời đều không hề áp đặt chuyện ăn chay, việc ta giết mổ động vật nhưng bà lại giữ lập trường của mình trong việc phải nhân đạo với việc kết thúc cuộc đời chúng, như một cách biết ơn và tôn trọng. Bộ phim đã nhắc lại một câu nói nổi tiếng của Grandin:
"I think using animals for food is an ethical thing to do, but we’ve got to do it right. We’ve got to give those animals a decent life and we’ve got to give them a painless death. We own the animals respect."
(Tôi cho rằng sử dụng động vật để làm thức ăn là một hành động hợp với luân thường đạo lý, nhưng chúng ta phải làm việc đó một cách đúng đắn. Ta phải cho những loài vật đấy cuộc sống tốt đẹp và một cái chết không đau đớn. Chúng ta nợ chúng sự tôn trọng).
Thời lượng hai tiếng cho người xem thấu hiểu được ngọn nguồn nhận thức của người phụ nữ này cũng như việc bà tìm cách thay đổi ngành chăn nuôi, được vắn tắt lại trong câu nói trên. Những sự kiện quan trọng được phim đề cập gồm các lần nghỉ xuân và nghỉ hè ở trại chăn nuôi của người thân, khi đi thực tập ở đại học và cao học – chúng là các bước ngoặt trong đời Grandin từ một cô bé không biết mình có thể làm được gì đến việc nỗ lực tạo ra sự thay đổi giữa thế giới này. Không chỉ vậy, người xem sẽ còn được hiểu thêm về các hành vi của động vật rất thú vị qua những phát kiến của Grandin. Ví dụ như cách những chú bò đi thành vòng tròn để áp chế nỗi sợ hãi, việc chú ngựa có thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh không chỉ bằng mắt mà còn bằng tai, sự lo sợ của chúng với những thứ con người vô tình đặt ở chuồng trại,…
Ngoài ra, bộ phim còn cho ta thấy về sự giáo dục đúng đắn có thể thay đổi một con người ra sao, như cách nó đã làm với Temple Grandin. Bà đã từng phát biểu:
"I cannot emphasize enough the importance of a good teacher."
(Tôi không thể nhấn mạnh đủ tầm quan trọng của một người thầy tốt.)
Điều đó gắn liền với những năm học trường nội trú lúc trung học, khi bà được một cựu kĩ sư của NASA, thầy William Carlock (do David Strathairn thủ vai) dạy môn khoa học, đánh thức tiềm năng cũng như luôn ủng hộ con đường giáo dục của bà. Mối quan hệ thầy – trò đẹp đẽ đó còn được dành một phần trong bộ phim. Không sướt mướt hay hoa mỹ, từ lúc họ chạm mặt nhau lần đầu cho đến lần cuối cùng gặp, có nụ cười và không nước mắt, nhưng sự trong sáng của một đứa trẻ đặc biệt như Grandin vẫn làm người xem xúc động với cử chỉ tỏ lòng tôn kính ở phút giây gặp thầy cuối cùng. Giáo sư Carlock còn truyền một năng lượng tích cực chảy trong Grandin, cũng là thông điệp xuyên suốt chiều dài bộ phim mà cô gái trẻ đã dùng nó như lá bùa đi qua những lần sợ hãi khi đối diện một thử thách mới,
"Temple, think of it as a door. A door that’s going to open up onto a whole new world for you and all you need to do is decide to go through it."
(Temple, hãy nghĩ tới nó [thử thách] như một cánh cửa. Cánh cửa sẽ mở ra một thế giới mới cho con và tất cả những gì con cần là quyết định đi qua nó mà thôi.)
Ngoài người thầy thời trung học, mẹ và dì của Grandin cũng là hai nhân vật phụ không hề bị mờ nhạt trong phim. Nếu người dì (do Catherine O’Hara thủ vai) nhẫn nại và hiền từ lắng nghe cô bé thì người mẹ Eustacia Grandin (do Julia Ormond đóng) kiệm lời và luôn tìm cách để con mình không bao giờ phải chịu thiệt thòi. Một cảnh ấn tượng là khi thầy Carlock thuyết phục mẹ của Temple cho cô học tại trường của ông đang dạy, Eustacia nhìn ông và nói ngắn gọn:
"Different, but not less."
(Khác biệt, nhưng không kém hơn.)
Bộ phim không chỉ là câu chuyện của riêng một Temple Grandin mà còn là một lăng kính để ta nhìn rõ hơn, thấu hiểu nhiều hơn về những người tự kỉ xung quanh mình. Có khi xem phim xong, bạn lại có thêm cho mình một cách nghĩ khác về muôn loài, chính con người chúng ta và cuộc sống, như chính cách Temple Grandin có cho mình:
"Nature is cruel, but we don’t have to be."
(Thiên nhiên có thể tàn độc, nhưng ta không cần phải thế.)
Temple Grandin là bộ phim mang nhiều triết lí sâu sắc nhưng lại không giáo điều, truyền tải đến người xem nhẹ nhàng như vén lên bức màn về một góc đời người cho bạn xem rồi khi màn buông, chỉ còn lại bạn đối diện với những suy nghĩ của mình mà thôi.
Nguồn:
*Ảnh cũng như trích dẫn tổng hợp từ Tumblr và Google Images**Các thông tin về Temple Grandin cũng như tên nhân vật & diễn viên, điểm phim có sự tham khảo từ Google, Wikipedia và iMDB
***Bài viết tham khảo nội dung từ iDesign và tổng hợp thêm từ Internet
Nguồn tin: Tổng hợp từ Internet
Xem thêm các tin khác
ADHD và rối loạn hành vi phá hoại (CD và ODD)
Bạn có thể đã nghe mọi người sử dụng những cụm từ như mất kiểm soát hoặc...
ADHD và sự hung hăng
Nhiều trẻ mắc ADHD dễ nổi giận. Chúng cảm thấy cảm xúc mãnh liệt và có thể gặp...
ADHD và thay đổi tâm trạng
Những người mắc ADHD thường gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc của mình. Họ...