PHIM VỀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT | Cậu bé đặc biệt
Cậu bé đặc biệt (tiếng Hindi: Taare Zameen Par, tiếng Anh: Like Stars on Earth) là một bộ phim tâm lý – học đường Ấn Độ do Aamir Khan làm đạo diễn. Tài tử Ấn Độ Aamir Khan là cũng là đạo diễn của bộ phim 3 idiots - 3 chàng ngốc, khá nổi tiếng ở Việt Nam. Nếu bạn yêu thích bộ phim Ba Chàng Ngốc (3 idiots) thì nhất định bạn không nên bỏ qua bộ phim này.
Bộ phim Cậu bé đặc biệt kể về một cậu bé 8 tuổi tên là Ishaan. Mặc dù cậu rất giỏi vẽ, nhưng thành tích học tập thấp kém của cậu khiến ba mẹ cậu phải gửi cậu vào trường nội trú. Shankar – giáo viên dạy vẽ mới của trường của Ishaan – phát hiện Ishaan bị chứng khó đọc, và anh đã giúp Ishaan vượt qua khỏi tật này.
Mỗi chúng ta là một cá thể độc lập. Hãy tôn trọng sự khác biệt!
Ishaan (Darsheel Safary thủ vai) là một cậu bé 8 tuổi phải mắc chứng bệnh khó đọc, vì căn bệnh này cậu rất khó khăn khi đánh vần các ký tự và không thể phân biệt các chữ cái gần giống nhau. Cậu không thể đọc và viết thành thạo như các bạn cùng lớp và bị điểm kém ở tất cả các môn học. Ishaan bị lưu ban lớp ba, ở trường em bị thầy cô và các bạn gọi là kẻ trì độn, ngu ngốc, bị bắt nạt…
Trước nguy cơ Ishaan bị lưu ban lớp ba lần thứ hai, bố của em đã quyết định chuyển Ishaan tới học trường nội trú đặc biệt. Ishaan rất hoảng sợ trước quyết định này của bố, em không muốn phải sống xa nhà, xa mẹ và đã cầu xin được ở lại nhà.
Mẹ của Ishaan, người đã hy sinh công việc và sự nghiệp riêng của mình để ở nhà chăm sóc các con đã không thể lay chuyển được quyết định của bố Ishaan, nhờ có quan hệ tốt với hội đồng quản trị nhà trường ông Awasthi đã chuyển Ishaan tới đây vào giữa học kỳ hai bắt đầu cuộc sống tự lập ở ngôi trường mới.
Có những viên ngọc quý trong số chúng ta. Những người đã làm thay đổi hướng đi của thế giới. Bởi vì họ nhìn thế giới theo một cách khác biệt. Suy nghĩ của họ vượt ra ngoài khuôn khổ. Không phải ai cũng được như họ đâu.
Với thời lượng dài hơn hai tiếng rưỡi, Taare Zameen Par - Cậu bé đặc biệt xoáy vào nỗi tủi thân, cô độc của Ishaan khi trót là một đứa trẻ “cá biệt” trong mắt số đông. Nhân vật Ishaan rất ít thoại, những tâm tư nỗi niềm của em chỉ bộc lộ qua hành vi mang tính chống đối và sau đó là thái độ buông xuôi, im lặng.
Trong cảnh quay thầy Shankar chào hỏi học sinh mới bằng màn múa hát, khi cậu bạn Rajan - một cậu bé khuyết tật ở chân hào hứng muốn đi ra khỏi chỗ ngồi để nhảy múa cùng thì hình ảnh Ishaan - một cậu bé lành lặn lại ngồi yên, gương mặt không chút cảm xúc thể hiện tính tương phản cao.
Ngôn ngữ hình ảnh trong đoạn này như một lời cảnh tỉnh về lối giáo dục áp đặt, nhồi nhét sẽ làm thui chột cảm xúc nơi trẻ nhỏ.
Trong phim còn có một hình ảnh đáng nhớ khác là cảnh Ishaan hớt những chú cá nhỏ bé ở kênh đem về nhà đổ vào bình thủy tinh. Chi tiết đắt giá này như nói thay cảnh ngộ của cậu bé, một đứa trẻ khao khát tự do nhưng luôn phải chịu sự áp đặt của khuôn khổ, của mệnh lệnh từ người lớn.
Thầy giáo Shankar giúp cậu bé Ishaan tìm lại sự tự tin, sự ham học bằng những mẩu chuyện về các danh nhân, những thiên tài cũng mắc chứng khó đọc. Những người cũng đã có một tuổi thơ bất hạnh, giống như cậu, và giống như cả thầy. Qua đó, người xem có thể thấy được mỗi người trong chúng ta đều là những cá thể độc lập. Ai cũng đều có những mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. Quan trọng là hãy biết cách tôn trọng những sự khác biệt ấy để giúp những người xung quanh, đặc biệt là con trẻ phát huy tối đa những điểm tốt của mình.
Gia đình. Hãy là chỗ dựa vững chắc cho con!
Trái ngược với Ishaan, anh trai Yohan của em lại là một học sinh xuất sắc và là niềm tự hào của gia đình. Bố của Ishaan, một công chức gia trưởng đặc trưng Ấn Độ rất thất vọng về cậu con trai thứ hai của mình, thường đe nạt và dọa dẫm em. Mẹ em là người mẹ nội trợ điển hình, cảm thấy thất vọng vì bất lực với con trai nhỏ. Bố mẹ phiền lòng gửi em vào trường nội trú. Một cậu bé tám tuổi đột nhiên chìm trong sợ hãi và mặc cảm, vì sao bố mẹ lại rời xa mình, bỏ mặc mình ở một nơi xa lạ, cậu lầm lũi đi ăn, đi học, nhiều đêm thức dậy vào phòng tắm khóc nức nở, mẹ ơi, con yêu mẹ, mẹ ơi đừng xa con.
Ishaan luôn cảm thấy cô đơn và xa cách ngay chính trong căn nhà của mình, em không nói chuyện với mọi người. Niềm vui duy nhất và là sợi dây kết nối giữa nội tâm xáo trộn, đang bị bị tổn thương của Ishaan với thế giới muôn màu bên ngoài là vẽ, em vẽ những giấc mơ, những cảm xúc của mình lên tường, lên giấy với đủ thứ màu sắc kỳ lạ.
Em vẽ gia đình bốn thành viên của mình vào mỗi trang trong một cuốn sổ lật, các hình ảnh giống nhau lặp đi lặp lại chỉ có Ishaan dần dần bị tách xa ra khỏi bố mẹ và anh trai của em, tới trang cuối cùng thì chỉ còn hình ba người đứng trước ngôi nhà và Ishaan thì biến mất hoàn toàn.
Ông bố, bà mẹ nào cũng thương con, lo lắng cho con. Nhưng tình thương ấy đôi khi lại khiến cho họ sai lầm. Hình ảnh bức tranh của bé Ishaan khi cậu vẽ việc cậu chia tay gia đình của mình hẳn là cảnh phim gây xúc động mạnh mẽ trong phim.
Hãy quan tâm, khích lệ thay vì trách mắng! Một người thầy vĩ đại là người biết truyền cảm hứng.
Trong bộ phim, thầy giáo trẻ Shankar được xây dựng thành biểu tượng đối lập với không khí ngột ngạt trong những nguyên tắc và hình phạt của ngôi trường nội trú, nơi cha mẹ đã gửi Ishaan đến học.
Ishaan, cậu bé chính là sản phẩm của nền giáo dục hà khắc khi những yêu thương được thay thế bằng sự nghiêm khắc của hình phạt. Trái tim bé bỏng của cậu bé đã trở nên vô cảm với thế giới xung quanh.
Thầy Shankar với trái tim của người thầy giàu lòng trắc ẩn, bao dung đã chạm được đến trái tim đầy thương tổn của cậu bé mắc chứng khó đọc viết. Thầy đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự mặc cảm tự ti của cậu bé và nỗ lực bằng mọi cách có thể đưa cậu bé thoát khỏi cuộc sống u uất, chán nản của hiện tại.
Thực tế, có bao nhiêu thầy cô giáo đã làm được điều như thầy giáo Shankar? Chúng ta luôn mặc định trong đầu học trò “Trường học là nơi học tập và rèn luyện” nên phải có những quy tắc và hình phạt dành cho những ai vi phạm những nguyên tắc đó.
Câu nói đầy ấn tượng của thầy giáo “Ở đảo Solomon, nơi người ta muốn giết một cái cây, họ không cần dùng đến rìu để chặt, mà chỉ cần đứng xung quanh cái cây và chửi rủa nó. Và chắc chắn một thời gian sau, cái cây ấy tự khô héo đi mà chết” đã nhắc nhở chúng ta, khi ta sống thiếu đi sự yêu thương, quan tâm dành cho trẻ, có thể ta vô tình làm “khô héo” đi cả cuộc đời đứa trẻ đó.
Có ai đó từng nói “Một người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”.
Thầy Shankar đã kể câu chuyện về những người nổi tiếng từng bị chứng khó đọc như Albert Einstein, Leonardo da Vinci, Thomas Edison… Sau đó, khi tất cả học sinh rời khỏi lớp học, thầy giáo bảo Ishaan ở lại và thổ lộ:
“Em có biết trong số những người mà thầy nhắc đến có một người mà thầy không nói không? Có thể tên của người đó chưa được ca tụng nhưng có cùng vấn đề với nhau. Cái tên đó là… Ram Shankar Nikumbh”.
Thầy giáo thừa nhận mình mắc chứng khó đọc khó viết và điều này gây bất ngờ cho Ishaan. Chỉ từ câu nói của thầy giáo đã là nguồn động lực để Ishaan tự tin vào bản thân mình.
Thầy Shankar xuất hiện với sự vui vẻ, hài hước, đưa học trò thoát khỏi những tư duy chật hẹp thông thường trong trường học. Trong vai trò là một thầy giáo dạy vẽ, thầy không yêu cầu học trò vẽ một bức tranh theo hình khối và đường nét có sẵn. Bởi, thầy cho rằng “một chiếc bảng không thể chứa hết trí tưởng tượng và cảm hứng nơi trẻ nhỏ.”
Đôi khi, người lớn chúng ta tiết kiệm những lời quan tâm dành cho trẻ nhỏ. Thậm chí, chúng ta cứ mong muốn chúng làm mọi việc theo kế hoạch người lớn đã vạch sẵn và cho rằng như vậy mới là sự lựa chọn tốt nhất. Thật ra, đứa trẻ có thể làm mợi thứ tốt hơn nếu chúng ta biết cách truyền cảm hứng, truyền động lực cho trẻ.
Hơn cả một người thầy. Hãy là một người cha bao dung và độ lượng!
Thầy Shankar chưa hề kết hôn, vì thế thầy chưa có những đứa con riêng của mình để có những trải nghiệm thực tế. Thế nhưng, thầy đã yêu thương theo cách riêng của mình với những đứa trẻ khuyết tật.
Chúng ta thường cho rằng, những đứa trẻ khuyết tật không đáng được nhận sự kì vọng và được giáo dục như những đứa trẻ lành lặn khác. Vì thế, cơ hội được trở thành thiên tài thuộc về những đứa trẻ lành lặn kiệt xuất.
Thầy Shankar trong bộ phim đã trao cơ hội đồng đều cho tất cả các em. Và cậu bé Ishaan, đã trở thành một cậu bé thiên tài vẽ tranh mặc dù bản thân em có những nét chưa hoàn thiện.
Có lẽ khoảng cách giữa thiên tài và người đần độn chỉ là người chỉ dẫn.
Mỗi khi học trò làm việc gì không theo ý ta, thầy cô sẽ cho rằng đó là đứa trẻ hư, khó giáo dục. Thế nhưng, chúng ta có biết rằng, mình cũng từng lớn lên từ một đứa trẻ như thế. Cho nên, hãy đối xử với trẻ với tư cách là một người cha, người mẹ của chúng, ta sẽ đủ bao dung, độ lượng để khiến một đứa trẻ trở nên biết nghe lời.
Và hãy là một người bạn biết lắng nghe và thấu hiểu!
Thầy giáo trong bộ phim Cậu bé đặc biệt đến từ một ngôi trường có nhiều trẻ khuyết tật, nhưng thầy chưa bao giờ cảm thấy dạy trẻ thiểu năng là một gánh nặng của mình. Thầy hạ bản thân mình xuống trong vai trò của người học để có thể thấu hiểu suy nghĩ của học trò.
Mỗi giờ học, hay mỗi giờ ra chơi, thầy thường đùa vui với chúng không khác gì những đứa trẻ với nhau. Chỉ có như thế, thầy mới cảm nhận rõ và hiểu được thế giới của Ishaan và những đứa trẻ khuyết tật.
Đôi khi, chúng ta ngụy biện rằng, muốn dạy dỗ được học trò cần có khoảng cách và cái uy của người thầy mà quên rằng chỉ cần chạm vào trái tim của trẻ, để trở nên biết lắng nghe và thấu hiểu, đứa trẻ tự khắc sẽ coi thầy cô, cha mẹ giống như một người bạn để giãi bày.
Bộ phim Cậu bé đặc biệt để lại nhiểu thông điệp và bài học khác nhau cho mỗi người. Đặc biệt là những thầy cô giáo đang trực tiếp đứng trên bục giảng. Một giáo viên giỏi không phải chỉ thể hiện ở khía cạnh kiến thức mà còn thể hiện ở khía cạnh: có bao nhiêu học trò vì mình mà thay đổi tốt lên mỗi ngày. Trẻ khuyết tật cũng như mọi trẻ em khác. Các em cũng đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Điều quan trọng là chúng ta biết cách tôn trọng những khác biệt ấy, trao cơ hội để giúp các em phát huy những điểm mạnh của mình. |
Nguồn tin: Tổng hợp từ Internet
Xem thêm các tin khác
Cách khen ngợi giúp xây dựng lòng tự trọng cho trẻ em
Người lớn thường biết rằng việc khen ngợi trẻ rất quan trọng. Nhưng điều còn ý...
Tầm quan trọng của lòng tự trọng tích cực đối với trẻ em
Lòng tự trọng tích cực mang lại cho trẻ sự tự tin để đối mặt với thử thách và...
Giúp trẻ AHDH xây dựng lòng tự trọng
Lòng tự trọng là mức độ mỗi người coi trọng bản thân và mức độ quan trọng mà bản...