en ko vi

Những điều cần biết khi thăm khám trẻ chậm nói tại bệnh viện

24/09/2024
[Bài viết của Thạc sĩ Trần Ngọc Ly - Chuyên viên Tâm lý Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City] Trẻ chậm nói có thể chỉ chậm ngôn ngữ diễn đạt, nhưng cũng có thể là biểu hiện của chậm phát triển, hoặc tự kỷ.... Để buổi khám diễn ra được suôn sẻ và tư vấn kỹ càng, bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề dưới đây khi khám trẻ chậm nói tại bệnh viện.

Những điều cần biết khi thăm khám trẻ tại bệnh viện

1. Cách thu thập thông tin về tình hình của trẻ

1.1. Chơi với trẻ

Khi trẻ được mời vào phòng khám, các chuyên viên tâm lý sẽ tiếp cận, chơi cùng trẻ, tạo ra một số tình huống trong quá trình chơi nhằm tìm hiểu một số đặc điểm của trẻ.

  • Cách trẻ tương tác với người lạ
  • Cách thức trẻ đòi hỏi
  • Cách trẻ phản ứng lại khi có người lạ tác động tới trẻ
  • Cách trẻ tham gia vào các hoạt động mà người lớn đề xuất
  • Cách chơi giả vờ hoặc những thiếu hụt về ngôn ngữ, về giao tiếp, về nhận thức của trẻ
  • Cách trẻ bắt chuyện hoặc đòi hỏi với người lạ

1.2. Quan sát trẻ

Chuyên viên tâm lý sẽ quan sát những nội dung sau:

  • Cách thức trẻ chơi đồ chơi
  • Cách thức trẻ tương tác với bố mẹ, hoặc cách đòi hỏi của trẻ
  • Khả năng giao tiếp mắt của trẻ
  • Số lượng và chất lượng ngôn ngữ bằng lời của trẻ
  • Sự kết hợp giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cử chỉ của trẻ
  • Ngôn ngữ hiểu của trẻ thông qua khả năng hiểu và thực hiện các yêu cầu, và nhận thức của trẻ về đồ vật xung quanh

1.3. Phỏng vấn bố mẹ

Chuyên viên tâm lý sẽ hỏi bố mẹ về những khó khăn của trẻ, những việc mà trẻ thực hiện tại nhà, hoặc các hoạt động của trẻ tại trường học, nhận xét của giáo viên về trẻ, hoặc cách tương tác của chính bố mẹ với trẻ.

1.4. Thực hiện trắc nghiệm

Sẽ có những bản trắc nghiệm khác nhau phù hợp với các vấn đề hoặc nguyên nhân mà trẻ được đưa tới khám. Trong quá trình phỏng vấn, bác sĩ và chuyên viên tâm lý cũng sẽ lựa chọn một vài trắc nghiệm bổ sung nhằm tìm ra được khó khăn của trẻ. Những trắc nghiệm này có thể do trẻ thực hiện, hoặc bố mẹ hoặc chuyên viên tâm lý thực hiện, tùy tình hình của trẻ.

Chuyên viên tâm lý sẽ dựa vào các thông tin thu được để đánh giá khó khăn của trẻ, từ đó đưa ra những tư vấn phù hợp với tình hình của trẻ và điều kiện của gia đình. Việc đánh giá trẻ là sự tổng hợp thông tin từ tất cả các nguồn trên, không chỉ dựa vào một hay hai yếu tố để gán nhãn đứa trẻ.

2. Những lưu ý với bố mẹ khi khám trẻ chậm nói tại bệnh viện

Để buổi khám có thể diễn ra đạt hiệu quả tốt, và để trẻ không bị mệt mỏi, gia đình cần lưu ý một số điều sau:

  • Đặt lịch khám đến đúng giờ đã hẹn, để trẻ không phải ngồi chờ đợi lâu. Mỗi buổi khám tâm lý sẽ diễn ra trong thời gian khoảng 1h, để các chuyên gia có thời gian đánh giá vấn đề của trẻ và tư vấn cho gia đình trẻ. Gia đình đến muộn sẽ ảnh hưởng đến giờ khám của con. Chưa kể, nếu trẻ bé hoặc quá hiếu động, thì việc phải ngồi đợi sẽ là một khó khăn với trẻ.
  • Cho trẻ ăn uống ngủ nghỉ đầy đủ trước khi đến khám, để trẻ thể hiện tốt trong buổi khám. Đã có những trường hợp nhà xa, trẻ phải dậy sớm để di chuyển nên khi đến đánh giá, trẻ mệt, buồn ngủ và quấy khóc, ảnh hưởng đến thời gian đánh giá và gây khó khăn cho cả gia đình lẫn trẻ. Vì vậy, gia đình nên cho trẻ đi ngủ sớm để trẻ được tỉnh táo trong buổi khám.
  • Bố mẹ cần quan sát và nắm rõ những biểu hiện của trẻ để chia sẻ chính xác thông tin cho bác sĩ, đặc biệt một số vấn đề như: Khả năng tự lập của trẻ (những việc đã làm được so với lứa tuổi), cách trẻ đòi hỏi hoặc thể hiện nhu cầu, khả năng ngôn ngữ và tương tác của trẻ ở thời điểm hiện tại.... Việc bố mẹ quan sát và hiểu đặc điểm của trẻ sẽ giúp bố mẹ làm việc với trẻ tốt hơn.
  • Cần sắp xếp hai người đưa trẻ đi khám: Khi khám cho trẻ sẽ cần cả bác sĩ và chuyên viên tâm lý khám song song với nhau. Do đó, gia đình cần sắp xếp hai người tham gia để có thể trông trẻ và cung cấp thông tin kịp thời. Ngoài ra, để hướng dẫn trẻ “nói” - chính xác hơn là “giao tiếp” đúng cách và phát triển được tốt, cần có sự hỗ trợ của cả bố và mẹ là hai người gần gũi nhất với trẻ. Vì vậy, khuyến khích bố mẹ cùng đưa con đi khám, cùng nghe những kết luận và tư vấn của bác sĩ, để hỗ trợ trẻ kịp thời.

Kết thúc buổi khám tâm lý, gia đình sẽ nhận được thông tin đánh giá của trẻ như sau:

  • Kết quả đánh giá về tình hình của trẻ về sự phát triển tâm vận động tại thời điểm hiện tại, khó khăn của trẻ ở thời điểm hiện tại. Cụ thể: Trẻ chỉ chậm nói đơn thuần, hay là trẻ có nguy cơ tự kỷ, hoặc tự kỷ ở mức nào.
  • Được tư vấn một số nội dung hỗ trợ trẻ ở nhà như cách thức tăng cường giao tiếp cho trẻ, những bài tập về tăng khả năng tự phục vụ, nguyên tắc khi trò chuyện và giao tiếp cùng trẻ, cách thức đưa ra yêu cầu và hỗ trợ trẻ thực hiện yêu cầu, các nội dung nhận thức cần hướng dẫn cho trẻ, môi trường cần thiết cho trẻ (trẻ nên đi học mầm non, hay cần can thiệp theo giờ sẽ là tốt...)

Để theo sát được sự phát triển tâm lý của trẻ, cũng như có những hỗ trợ kịp thời cho trẻ, bố mẹ nên tiến hành đánh giá lại sau mỗi 6 tháng hoặc một năm.

Khi bị ốm hoặc sốt thì trẻ mệt mỏi về thể chất nên cần khám nhanh và khám sớm. Nhưng với khám chậm nói, trẻ không ốm đau, gia đình nên có sự chuẩn bị trước để trẻ thỏa mái thể hiện nhất trong buổi khám.

Nguồn tin: vinmec.com

Xem thêm các tin khác

ADHD và rối loạn hành vi phá hoại (CD và ODD)

ADHD và rối loạn hành vi phá hoại (CD và ODD)

ADHD và sự hung hăng

ADHD và sự hung hăng

ADHD và thay đổi tâm trạng

ADHD và thay đổi tâm trạng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây