en ko vi

Mẹo trò chuyện để giúp trẻ gặp khó khăn với kỹ năng giao tiếp

14/02/2025
Đối với nhiều trẻ, việc trò chuyện không phải là điều khó khăn hay cần phải suy nghĩ. Các em biết cách đưa ra những bình luận phù hợp và tham gia vào khi người khác đang nói chuyện. Nhưng với những trẻ gặp khó khăn trong kỹ năng xã hội, việc duy trì dòng chảy tự nhiên của cuộc trò chuyện có thể rất khó khăn.

mẹo trò chuyện với trẻ đặc biệt khó khăn giao tiếp

Các kỹ năng quan trọng như đọc ngôn ngữ cơ thể và biết nên nói gì (và khi nào nên nói) không dễ dàng đối với trẻ đặc biệt, đang gặp khó khăn trong kỹ năng xã hội. Dưới đây là một số mẹo giúp trẻ học cách xử lý các phần khác nhau của cuộc trò chuyện.

Tham gia vào một cuộc trò chuyện

Các cuộc trò chuyện nhóm có thể khó khăn vì có nhiều người để kết nối. Khó khăn trong việc đọc ngôn ngữ cơ thể có thể khiến trẻ không nhận ra liệu cuộc trò chuyện đó có mang tính riêng tư hay mở cho người khác tham gia. Trẻ có thể không cảm nhận được liệu đây có phải là thời điểm tốt để tham gia hay không, hoặc không nhận ra giọng điệu cho thấy đó không phải là lúc thích hợp. Hơn nữa, trẻ có thể không biết rằng mình cần nói về chủ đề mà nhóm đang thảo luận.

Cách giúp đỡ trẻ:

Sử dụng các tình huống thực tế (hoặc video và chương trình TV ở nhà) để chỉ ra những tình huống khi một nhóm đang quay lưng hoặc trò chuyện riêng tư. Cũng chỉ ra khi nào mọi người trong cuộc trò chuyện đang nhìn quanh và có vẻ sẵn sàng cho người khác tham gia.

Mô phỏng cách chờ đợi một khoảng ngắt trong dòng chảy của cuộc trò chuyện rồi đặt câu hỏi như: "Mình có thể tham gia cùng các bạn được không?"

Nhắc trẻ lắng nghe và nói điều gì đó liên quan đến những gì người khác đang nói. Các em có thể sử dụng các câu hỏi bắt đầu bằng "WH" (trong tiếng Anh) (who - ai, what - cái gì, when - khi nào, where - ở đâu và why - tại sao) để bắt kịp nội dung.

Bắt đầu một cuộc trò chuyện

Bước đầu tiên là xác định xem đây có phải là thời điểm thích hợp để trò chuyện hay không. Một số trẻ có thể không cảm nhận được liệu đây có phải là lúc phù hợp hay không. Những trẻ bốc đồng có thể bất ngờ chen vào cuộc trò chuyện mà không có lời chào hỏi nào.

Cách giúp đỡ trẻ:

Dạy trẻ những câu chào cơ bản để sử dụng với người quen (Vd: "Chào, bạn khỏe không?") và với người lạ (Vd: "Chào, mình là Joe — anh trai của Miranda").

Cho trẻ thấy ngôn ngữ cơ thể của một người trông như thế nào khi họ muốn hoặc không muốn trò chuyện. Cũng đưa ra các ví dụ về biểu cảm trung lập hoặc khó chịu để trẻ nhận biết dấu hiệu thiếu quan tâm.

Duy trì cuộc trò chuyện

Việc duy trì cuộc trò chuyện yêu cầu tuân thủ nhiều quy tắc xã hội — và không chỉ trong một hoặc hai phút. Trẻ bốc đồng có thể cắt ngang nhiều lần hoặc nói không ngừng. Khó khăn trong việc đọc các tín hiệu phi ngôn ngữ có thể khiến trẻ không nhận ra người kia đang mất hứng thú. Hoặc trẻ có thể bị mắc kẹt vào một suy nghĩ và không thể buông bỏ nó. Một số trẻ khác có thể dần mất tập trung và rời khỏi cuộc trò chuyện.

Cách giúp đỡ trẻ:

Dạy trẻ cách đặt câu hỏi tiếp theo để thể hiện rằng mình đã lắng nghe và quan tâm đến những gì người khác đang nói. Đưa ra các ví dụ mẫu để trẻ luyện tập và sử dụng.

Giúp trẻ luyện tập việc giữ một suy nghĩ trong đầu thay vì buột miệng nói ra. Hướng dẫn trẻ rằng có thể nói: "Nhớ nhắc mình nói về điều đó sau khi bạn xong nhé."

Cùng trẻ nghĩ ra những từ hoặc cụm từ có thể sử dụng để cho thấy mình đang chú ý trong cuộc trò chuyện, như "ừ đúng rồi" hoặc "mình hiểu."

Thực hành nhập vai để trẻ thấy việc nói điều không liên quan hoặc không đúng lúc có thể khiến người khác nghĩ rằng trẻ không quan tâm đến câu chuyện.

Kết thúc một cuộc trò chuyện

Kết thúc cuộc trò chuyện có thể khó khăn không kém việc bắt đầu. Trẻ có thể không đọc đúng tình huống để biết đây có phải là lúc nên kết thúc hay không. Trẻ cũng có thể không biết cách kết thúc cuộc trò chuyện một cách phù hợp. Những trẻ bốc đồng hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp có thể đột ngột kết thúc cuộc trò chuyện mà không nói "tạm biệt" — chỉ đơn giản là bỏ đi hoặc cúp máy.

Cách giúp đỡ trẻ:

Minh họa cho trẻ thấy các tín hiệu phi ngôn ngữ khi ai đó muốn kết thúc cuộc trò chuyện, như nhìn đồng hồ, quay người đi hoặc ngáp.

Dạy trẻ các tín hiệu bằng lời cho thấy ai đó đang cố kết thúc cuộc trò chuyện, như nói "Vậy thì..." hoặc "À thì..."

Hướng dẫn trẻ các câu hỏi để xác định liệu cuộc trò chuyện đã kết thúc hay chưa. Ví dụ: "Bạn còn muốn tiếp tục nói chuyện không hay bạn cần đi rồi?"

Giúp trẻ học và thực hành cách kết thúc bằng một câu như "Nói chuyện với bạn rất vui," hoặc "Mình phải đi bây giờ," trước khi rời đi.

Đối với trẻ gặp khó khăn về kỹ năng xã hội, việc học cách trò chuyện đòi hỏi sự hướng dẫn trực tiếp và luyện tập thường xuyên. Điều quan trọng là phải kiên nhẫn và hiểu rằng bạn có thể cần củng cố những kỹ năng này nhiều lần.

Nguồn tài liệu

Nội dung trong bài viết này được chuyển ngữ và biên tập từ bài gốc "Conversation tips for kids who struggle with social skills (understood.org)".

Nguồn tin: understood.org

Xem thêm các tin khác

4 tình huống xã hội giúp trẻ tiểu học mắc ADHD rèn luyện kỹ năng xã hội

4 tình huống xã hội giúp trẻ tiểu học mắc ADHD rèn luyện kỹ năng xã hội

Hiểu về khó khăn của ADHD trong kỹ năng xã hội

Hiểu về khó khăn của ADHD trong kỹ năng xã hội

7 tình huống xã hội để giúp trẻ ADHD tuổi teen rèn luyện kỹ năng giao tiếp

7 tình huống xã hội để giúp trẻ ADHD tuổi teen rèn luyện kỹ năng giao tiếp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây