Kiểm tra thính giác cho trẻ sơ sinh
Nhìn bề ngoài của trẻ sơ sinh sẽ không thể nào biết được trẻ có bị khiếm thính hay không. Do đó cần kiểm tra thính lực cho trẻ sơ sinh để có thể sớm phát hiện tình trạng khiếm thính của trẻ.
Tại sao trẻ sơ sinh cần được sàng lọc khiếm thính?
Việc phát hiện trẻ bị khiếm thính muộn sẽ làm việc điều trị và giúp trẻ phát triển ngôn ngữ rất khó. Sàng lọc khiếm thính cho trẻ sơ sinh giúp phát hiện từ rất sớm những trẻ có vấn đề về thính giác để kịp thời can thiệp, điều này có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển ngôn ngữ và khả năng nói của trẻ trong những năm đầu đời của trẻ. Trẻ bị khiếm thính nếu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có thể nghe, nói và phát triển như trẻ bình thường.
Sàng lọc khiếm thính là gì?
Sàng lọc khiếm thính là phương pháp sử dụng máy để đo âm ốc tai (OAE) cho trẻ sơ sinh. Đây là phương pháp có giá trị để đánh giá chức năng của ốc tai. Phương pháp đo âm ốc tai không ảnh hưởng đến sức nghe hay tai hay sức khỏe của trẻ, không gây đau cho trẻ.
Nên thực hiện sàng lọc khiếm thính khi nào?
Đối với trẻ sơ sinh bình thường sàng lọc khiếm thính nên thực hiện trong khoảng thời gian sau 24 giờ đến 72 giờ sau sinh.
Sàng lọc khiếm thính cho trẻ sơ sinh được thực hiện như thế nào?
► Sàng lọc khiếm thính được thực hiện bằng máy đo âm ốc tai, máy sẽ đo đáp ứng của ốc tai khi có kích thích bởi âm thanh. Người đo sẽ đặt một thiết bị nhỏ giống như một tai nghe vào tai trẻ, thiết bị này sẽ phát ra những âm thanh “click” vào tai trẻ và thu lại những phản ứng của ốc tai đối với những âm thanh đó. Thời gian làm sàng lọc chỉ mất vài phút và người thân của trẻ có thể ở bên trẻ khi đang tiến hành kiểm tra.
► Nếu trẻ qua được nghiệm pháp sàng lọc: máy sẽ hiện chữ PASS hay “ĐẠT”
► Nếu trẻ vượt qua sàng lọc có nghĩa là chức năng ốc tai của trẻ hoàn toàn bình thường tại thời điểm sàng lọc. Tuy nhiên trẻ vẫn có khả năng nghe kém do về sau (có thể bị viêm tai giữa, những bệnh lý di truyền, hoặc do những nhiễm trùng hay bệnh lý khác)
► Nếu trẻ KHÔNG vượt qua được nghiệm pháp sàng lọc: máy sẽ hiện chữ REFER hay ” KHÔNG ĐẠT”
► Nếu kết quả ghi nhận REFER nghĩa là thính giác của trẻ không đạt yêu cầu trong lần đo đầu tiên, bạn sẽ được hướng dẫn để đưa con bạn đi sàng lọc lại lần thứ 2 sau 12 giờ hoặc trước khi xuất viện.
► Nếu lần thứ 2 kết quả vẫn “NGHI NGỜ”, bạn sẽ được hướng dẫn để đưa trẻ đi khám và đánh giá lại tại cơ sở chuyên khoa về thính lực trẻ em để được chẩn đoán xác định và tư vấn.
Lý do nào làm trẻ có kết quả “NGHI NGỜ” khi sàng lọc khiếm thính?
► Trẻ quấy khóc khi làm sàng lọc sẽ gây nhiễu cho thiết bị đo
► Môi trường đo có nhiều tiếng động cũng gây nhiễu
► Bên trong tai của trẻ có dịch hoặc chất bẩn hoặc máu còn sót lại sau sinh
Bạn cần làm gì nếu trong lần sàng lọc khiếm thính thứ hai, con bạn vẫn có kết quả “NGHI NGỜ”?
Điều quan trọng nhất mà bạn nên làm là đưa trẻ trở lại để tiến hành kiểm tra thính giác trong vòng 1 tháng hoặc theo hướng dẫn của nhân viên y tế để đưa trẻ đến khám ở các cơ sở chuyên khoa sâu về thính giác trẻ em.
Những nguyên nhân nào có thể làm cho trẻ bị điếc?
Trẻ có thể bị điếc do một hoặc một số nguyên nhân sau:
► Mẹ bị nhiễm một số siêu vi khuản trong thời ký mang thai (như bị Rubella)
► Trong gia đình đã có người bị điếc
► Trẻ bị bệnh nặng ngay sau sinh
► Trẻ bị dị dạng ở đầu, tai, mặt
► Trẻ bị viêm màng não hoặc viêm não....
Những biểu hiện nào làm bạn nghi ngờ trẻ bị khiếm thính?
Tùy theo độ tuổi của trẻ mà sẽ có những dấu hiệu ngi ngờ trẻ bị khiếm thính như sau:
► Không thấy trẻ có sự tiến triển trong phát âm hoặc trẻ chậm nói
► Trẻ kêu đau tai (có thể do viêm tai giữa)
► Trẻ không nhận biết hoặc khó nhận biết âm thanh từ đâu vọng đến
► Trẻ nói quá nhỏ hoặc quá lớn tiếng
► Trẻ mở tivi hoặc vặn máy nghe nhạc quá lớn
► Trẻ thể hiện những khó khăn trong giao tiếp hoặc trong học tập
► Các dấu hiệu này không nhất thiết là trẻ bị khiếm thính nhưng nếu thấy trẻ có một hoặc một số dấu hiệu như trên cần cho trẻ đi khám BS Tai mũi họng ngay.
► Khi phát hiện sớm trẻ bị khiếm thính sớm, bạn cần hợp tác với các Bác sĩ tai mũi họng, các chuyên gia về thính lực trẻ em để có thể phối hợp với nhau giúp trẻ phát triển.
Tác giả bài viết: CNHS Trương Thị Hai Khoa Sản
Nguồn tin: Bệnh viện Hoàn Mỹ
Xem thêm các tin khác
ADHD và rối loạn hành vi phá hoại (CD và ODD)
Bạn có thể đã nghe mọi người sử dụng những cụm từ như mất kiểm soát hoặc...
ADHD và sự hung hăng
Nhiều trẻ mắc ADHD dễ nổi giận. Chúng cảm thấy cảm xúc mãnh liệt và có thể gặp...
ADHD và thay đổi tâm trạng
Những người mắc ADHD thường gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc của mình. Họ...