en ko vi

Hiểu về khó khăn của ADHD trong kỹ năng xã hội

24/02/2025
Kỹ năng xã hội giúp chúng ta kết nối với người khác và có những tương tác hiệu quả. Gặp khó khăn với những kỹ năng này có thể gây ra vấn đề trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, bao gồm trường học, công việc, gia đình và ngoài xã hội.

ADHD và khó khăn kỹ năng xã hội
 

Khó khăn trong kỹ năng xã hội khác với việc không thích giao tiếp. Nhiều người muốn tương tác, nhưng khi thực hiện, họ gặp trở ngại. Họ có thể gặp khó khăn khi trò chuyện, không bắt kịp nhịp điệu của cuộc giao tiếp hoặc có những hành vi khiến người khác cảm thấy khó chịu.

Một số người gặp khó khăn trong việc nhận biết tín hiệu xã hội và tuân theo các quy tắc giao tiếp. Điều này có thể khiến họ khó hòa nhập, kết bạn và làm việc nhóm. Họ có thể né tránh giao tiếp và cảm thấy cô lập với những khó khăn của mình.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong kỹ năng xã hội. Đôi khi, đó chỉ là vấn đề tạm thời. Nhưng trong nhiều trường hợp, đây là một phần của những thử thách lớn hơn và kéo dài suốt đời.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là kỹ năng xã hội không thể cải thiện. Có nhiều cách để rèn luyện giúp việc kết nối với người khác trở nên dễ dàng hơn và có những tương tác tốt hơn.

Biểu hiện của khó khăn trong kỹ năng xã hội

Có nhiều dạng kỹ năng xã hội mà mọi người có thể gặp khó khăn. Một số người khó nhận biết tín hiệu xã hội, như ngôn ngữ cơ thể. Một số khác gặp khó khăn trong việc tuân theo các quy tắc giao tiếp, chẳng hạn như nói “xin lỗi” hoặc không ngắt lời người khác.

Không phải ai cũng gặp khó khăn giống nhau, nhưng dưới đây là một số biểu hiện phổ biến:

Nói quá nhiều

Không hiểu sự châm biếm

Chia sẻ thông tin không phù hợp

Hiểu nghĩa đen những câu mang tính ẩn dụ, chẳng hạn như “Tôi tức đến mức muốn hét lên”

Không nhận ra khi người khác tỏ ra khó chịu hoặc bực bội

Lắng nghe kém

Thu mình, không muốn tham gia vào cuộc trò chuyện

Nguyên nhân gây ra khó khăn trong kỹ năng xã hội

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cách mọi người tương tác với người khác. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

Khó kiểm soát bản thân

Khó khăn trong giao tiếp

Rào cản ngôn ngữ

Các vấn đề sức khỏe tâm lý như lo âu, trầm cảm

Áp lực từ môi trường gia đình

Ngoài ra, một số khác biệt về học tập và tư duy cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kỹ năng xã hội. ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) là một trong số đó. Người mắc ADHD thường có xu hướng bộc phát, nói mà không suy nghĩ, hoặc mất tập trung khi người khác đang nói. Chứng tự kỷ cũng có thể gây ra khó khăn trong việc giao tiếp và tương tác xã hội.

Cách cải thiện kỹ năng xã hội

Có nhiều cách để trẻ em và người lớn luyện tập và cải thiện kỹ năng xã hội.

Trẻ có thể tham gia các nhóm kỹ năng xã hội tại trường học.

Người lớn có thể tham gia câu lạc bộ hoặc lớp học với những người có cùng sở thích.

Thực hành nhập vai các tình huống xã hội có thể giúp cả trẻ em và người lớn chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc tương tác.

Ngoài ra, việc lập danh sách các chủ đề phù hợp để trò chuyện cũng là một cách hữu ích.

Gặp khó khăn trong giao tiếp có thể ảnh hưởng đến sự tự tin. Tuy nhiên, ai cũng có điểm yếu của mình, và quan trọng hơn, kỹ năng xã hội hoàn toàn có thể được cải thiện theo thời gian.

Mẹo nhanh

Học hỏi từ các ví dụ

Quan sát qua video, chương trình TV hoặc tình huống thực tế. Hãy theo dõi cách mọi người giao tiếp và nhận biết các tín hiệu xã hội. Ví dụ, chú ý khi nào một nhóm trò chuyện có vẻ đang mở rộng và sẵn sàng cho người khác tham gia.

Sử dụng những cụm từ thể hiện sự chú ý

Mọi người muốn biết rằng bạn đang lắng nghe họ. Hãy dùng những từ hoặc cụm từ như “Vậy à?”, “Hay quá!”, “Thật thú vị!”. Thay đổi cách diễn đạt để tránh lặp lại quá nhiều.

Bắt đầu từ những tình huống nhỏ

Hãy thực hành kỹ năng xã hội với một người bạn đáng tin cậy hoặc trong một nhóm nhỏ. Những tình huống này có thể giúp bạn cảm thấy an toàn hơn và dần xây dựng sự tự tin để giao tiếp trong những nhóm lớn hơn.

Luyện tập online

Một số người cảm thấy thoải mái hơn khi giao tiếp qua mạng. Hãy thử tham gia các cuộc trò chuyện video, trò chơi trực tuyến có nhiều người chơi hoặc các nhóm thảo luận theo sở thích. Với trẻ em, cha mẹ nên giám sát để đảm bảo môi trường giao tiếp an toàn.

Học hỏi bằng cách đặt câu hỏi

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc nhận biết tín hiệu xã hội, đừng ngại hỏi. Bạn có thể nói: “Đôi khi mình không nhận ra khi nào cậu đang giận. Cậu có đang giận không?” hoặc “Mình có thể tham gia cuộc trò chuyện này không?”

Nguồn tài liệu

Nội dung trong bài viết này được chuyển ngữ và biên tập từ bài gốc "Understanding trouble with social skills (understood.org)".

Nguồn tin: understood.org

Xem thêm các tin khác

4 tình huống xã hội giúp trẻ tiểu học mắc ADHD rèn luyện kỹ năng xã hội

4 tình huống xã hội giúp trẻ tiểu học mắc ADHD rèn luyện kỹ năng xã hội

7 tình huống xã hội để giúp trẻ ADHD tuổi teen rèn luyện kỹ năng giao tiếp

7 tình huống xã hội để giúp trẻ ADHD tuổi teen rèn luyện kỹ năng giao tiếp

8 tình huống xã hội để giúp trẻ ADHD 11-15 tuổi rèn luyện kỹ năng giao tiếp

8 tình huống xã hội để giúp trẻ ADHD 11-15 tuổi rèn luyện kỹ năng giao tiếp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây