Chơi có cấu trúc quan trọng như thế nào với trẻ em tự kỷ?
1. Chơi có cấu trúc là gì?
► Chơi có cấu trúc bao gồm các hoạt động chơi đã được cấu trúc và có hướng dẫn bởi giáo viên, nhà trị liệu, phụ huynh hoặc hướng dẫn bởi việc sắp xếp môi trường như quy trình chơi bằng hình ảnh,... Chơi có cấu trúc là kiểu chơi được lên kế hoạch sẵn và được sắp xếp có mục đích với mục tiêu hướng tới phát triển một số kỹ năng nhất định của trẻ.
► Ngược lại, chơi không có cấu trúc hay chơi tự do là kiểu chơi do trẻ dẫn dắt hoàn toàn mà không có sự hướng dẫn hay can thiệp của người lớn. Trẻ chơi và khám phá hoạt động chơi theo sở thích và mong muốn của trẻ.
2. Tầm quan trọng của việc chơi có cấu trúc với trẻ tự kỷ
Tự kỷ là dạng khó khăn về giao tiếp xã hội như hiểu quy tắc, quy luật của trò chơi, kỹ năng chia sẻ, lần lượt, khả năng hiểu cảm xúc của người khác,... Khi chơi có cấu trúc, bé sẽ:
► Kỹ năng chơi và khám phá đồ chơi phù hợp được phát triển.
► Tập cách chờ đợi và luân phiên khi chơi.
► Tăng khả năng kiểm soát cảm xúc và hoạt động của bản thân.
► Khả năng hợp tác với người khác cũng tăng.
► Biết cách chia sẻ đồ chơi với người khác và quan tâm đến người chơi cùng.
► Phản hồi phù hợp với những hướng dẫn hoặc hành động của người cùng chơi.
► Phát triển kỹ năng xã hội thông qua việc bắt chước hành động chơi cũng như suy nghĩ, cảm xúc của người cùng chơi.
3. Hướng dẫn trẻ tự kỷ chơi có cấu trúc
Bạn hãy bắt đầu từ hoạt động/ đồ chơi mà bé thích. Nếu bé thích chơi ô tô, bạn có thể tổ chức hoạt động ghép hình ô tô hoặc tô màu ô tô,...Sử dụng những thế mạnh của trẻ.
Ví dụ:
Trẻ ưa thích vận động hay có thể ngồi chơi hàng giờ,...
Dùng lịch trình bằng hình ảnh cho hoạt động chơi nhằm chỉ rõ cho trẻ biết.
Ví dụ:
Có bao nhiêu hành động chơi trong hoạt động này, hành động nào cần làm trước, hành động nào cần làm sau. Mỗi hành động/ bước chơi cần được minh họa rõ ràng và cụ thể bằng đồ vật, hình ảnh, chữ viết.
Hướng dẫn trẻ sử dụng lịch trình hoạt động chơi từng bước một, đảm bảo trẻ hiểu cách thực hiện trước khi để trẻ tự chơi hoặc tăng hoạt động trong giờ chơi của trẻ. Trong khi thiết kế lịch trình hoạt động và hướng dẫn chơi, bạn hãy đảm bảo rằng, các hướng dẫn của bạn rõ ràng nhưng ngắn gọn và phù hợp với khả năng hiểu của trẻ.
Khi bắt đầu chơi có cấu trúc, bạn nên lựa chọn những hoạt động ngắn, vừa sức, đảm bảo trẻ có thể thành công ngay từ những lần chơi đầu tiên. Việc làm này giúp làm tăng hứng thú và động lực chơi của trẻ.
Tổ chức những hoạt động chơi ngắn thay vì hoạt động chơi có nhiều bước hay bé chỉ cần tham gia ở những bước chơi nhất định, không cần tham gia toàn bộ quá trình chơi. Việc cho bé tham gia dần dần sẽ giúp trẻ không bị quá tải cũng như giúp khả năng chú ý của tăng dần lên.
Nhớ là luôn khen ngợi, khuyến khích và ghi nhận tất cả những nỗ lực của bé trong khi chơi.
4. Phát triển kỹ năng chơi cho bé
Nếu bé đã quen và có thể chơi một mình được với phương pháp chơi có cấu trúc, bạn có thể:
Tăng số lượng hành động chơi, mở rộng hệ quả trò chơi.Tăng số lượng trò chơi hay các hoạt động mà bé cần thực hiện.Tăng số cơ hội mà bé có thể chơi trong ngày.
5. Ba mẹ cần làm gì?
Chờ đợi bé khởi xướng, quan sát cách bé chơi, lắng nghe những gì trẻ nói và phản hồi lại một cách có ý nghĩa.
Sử dụng mức độ hỗ trợ phù hợp với khả năng của trẻ.Ví dụ:
Nếu trẻ có thể tự làm, bạn chỉ cần chờ đợi và nhắc bằng các gợi ý tự nhiên như sắp xếp học liệu. Nếu là một hoạt động chơi mới, bạn có thể làm mẫu hoặc cầm tay chỉ việc cho trẻ.
Tạo cơ hội để trẻ chủ động thể hiện và khởi xướng hoạt động chơi trẻ muốn.
Kiểm soát môi trường nhưng không can thiệp hoặc làm thay đổi cấu trúc trò chơi.
Sử dụng lịch trình hoạt động linh hoạt với khả năng của trẻ.Trên hết, việc chơi là niềm vui, sự hào hứng và mong muốn được chơi, được khám phá trò chơi của bé. Chính vì thế, trong khi tổ chức hoạt động chơi, bạn hãy linh hoạt và nhạy cảm với những dấu hiệu “khó chịu” của trẻ để kịp thời điều chỉnh hoạt động chơi cho phù hợp.
Nguồn tin: vinmec.com
Xem thêm các tin khác
Chậm nói: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Con chậm nói luôn là mối quan tâm lo lắng của các bậc cha mẹ. Phụ huynh thường...
ADHD và chia sẻ quá mức
Vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, hầu hết mọi người đều vô tình chia sẻ...
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) khác gì so với mất tập trung thông thường?
Dù có sự tương đồng về biểu hiện, ADHD là một bệnh lý tâm thần, trong khi mất...