en ko vi

8 tình huống xã hội để giúp trẻ ADHD 11-15 tuổi rèn luyện kỹ năng giao tiếp

14/03/2025
Tất cả trẻ em ở độ tuổi này đều mong muốn hòa nhập với bạn bè. Nhưng tuân theo các quy tắc xã hội cơ bản có thể là thử thách đối với một số trẻ gặp khó khăn trong học tập và tư duy. Bạn có thể giúp con rèn luyện kỹ năng xã hội và cảm thấy tự tin hơn khi làm việc với người khác bằng cách thực hành nhập vai những tình huống phổ biến này.
Tình huống giúp ADHD 11 15 tuổi rèn kỹ năng giao tiếp
 

1. Khen ngợi ai đó

Việc đưa ra một lời khen chân thành có thể khó hơn bạn nghĩ. Hãy giải thích rằng một lời khen là khi chúng ta nói điều gì đó tốt đẹp về một điều mà người khác tự hào hoặc muốn được công nhận.

Hãy minh họa bằng cách hỏi con xem câu nào có ý nghĩa hơn: “Thật tuyệt khi con thích ăn trứng” hay “Con chơi bóng đá rất giỏi”?

Trẻ có thể thực hành khen ngợi bạn trước, nhưng cũng cần nhận biết lời khen trong các tình huống khác. Khi xem TV, hãy hỏi con xem lời khen nào là chân thành, lời nào là giả tạo. Khi đọc sách, hãy chú ý cách nhân vật nói chuyện với nhau: Họ đang tử tế hay thô lỗ? Họ đang giả vờ hay chân thành?

2. Chấp nhận lời góp ý từ bạn bè

Nghe người khác chỉ ra lỗi sai hoặc điều mình có thể làm tốt hơn là một thử thách đối với nhiều trẻ. Đặc biệt, trẻ có thể không phân biệt được giữa việc bị chê bai và nhận phản hồi mang tính xây dựng.

Hãy giải thích với con rằng lắng nghe và giữ bình tĩnh là một kỹ năng quan trọng trong tình bạn. Hướng dẫn con sử dụng những từ “giữ chỗ” như “Ừ” hoặc “OK” khi lắng nghe. Sau đó, thực hành cách phản hồi lại: “OK, tớ chơi bóng rổ hơi thô bạo. Điều đó có làm ảnh hưởng đến cách chơi của tớ hay gây khó chịu cho cả đội không?”

3. Đối phó với hành vi trêu chọc của nhóm bạn khép kín*

Trẻ có thể gặp khó khăn khi tìm một nhóm bạn phù hợp. Những trẻ có kỹ năng xã hội yếu và lòng tự trọng thấp có thể khó đối phó với nhóm bạn khép kín. Hãy giúp con hiểu rằng khi nhóm bạn này trêu chọc người khác chỉ để tìm kiếm phản ứng. Trong trường hợp này, đôi khi phản ứng tốt nhất là không phản ứng.

Hãy thực hành cách xử lý tình huống một cách bình tĩnh, chẳng hạn như: “Không sao đâu, tớ có thể ngồi chỗ khác.” Quan trọng nhất, hãy cho con biết rằng nếu con cảm thấy bị bắt nạt chứ không chỉ là bị trêu đùa, con có thể luôn tìm đến cha mẹ, người chăm sóc, giáo viên hoặc huấn luyện viên để được giúp đỡ.

* "Nhóm bạn khép kín" (clique) là một nhóm bạn có tính chất đóng, chỉ chơi với nhau và ít hoặc không muốn kết nạp thêm người khác. Những nhóm này thường có các quy tắc ngầm và có thể tạo cảm giác loại trừ với những người bên ngoài.

4. Tham gia hoạt động sau giờ học

Có rất nhiều cách để trẻ khám phá sở thích và thế mạnh của mình sau giờ học. Nhưng việc tham gia vào một hoạt động đang diễn ra có thể khó đối với trẻ gặp khó khăn trong việc đọc tình huống xã hội. Thực hành nhập vai có thể giúp ích.

Hãy tổ chức một hoạt động gia đình mà con phải tham gia vào giữa chừng, như chơi cờ, đoán chữ hoặc làm thủ công. Hướng dẫn con cách giới thiệu bản thân (“Xin chào, tớ là Beth và tớ muốn tham gia trò chơi này”) và đặt câu hỏi về hoạt động (“Trò này có tối đa bao nhiêu người chơi?”). Con cũng có thể luyện cách lắng nghe ý kiến của người khác và luân phiên trong cuộc trò chuyện.

5. Bắt đầu cuộc trò chuyện với bạn bè

Bắt đầu cuộc trò chuyện, duy trì và kết thúc chúng có thể là thử thách đối với trẻ. Hãy chuẩn bị trước một số cách mở đầu cuộc trò chuyện và cho con thực hành với bạn. Ví dụ: Bình luận về hoạt động đang diễn ra (“Bạn đang chơi trò gì vậy?”) hoặc đặt câu hỏi về sở thích chung (“Bạn có thích món ăn mới ở căng-tin không?”).

Cùng con tìm ra những cách nói chuyện phù hợp, sau đó nhập vai với các phản ứng khác nhau. Hãy giúp con thực hành các quy tắc xã hội như không đứng quá gần khi nói chuyện, duy trì giao tiếp bằng mắt, và thể hiện biểu cảm phù hợp (cười khi ai đó kể chuyện hài hước, gật đầu khi ai đó nói điều quan trọng). Dạy con cách kết thúc cuộc trò chuyện đơn giản như “Cảm ơn nhé,” “Gặp lại sau,” hoặc “Rất vui khi nói chuyện với bạn.”

6. Làm việc nhóm

Làm việc nhóm có thể khó khăn, đặc biệt với những trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu quan điểm của người khác hoặc nắm bắt tín hiệu xã hội.

Hãy giúp con học cách hợp tác bằng cách nhập vai nhiều tình huống khác nhau, bao gồm cả khi có bất đồng ý kiến trong nhóm.

Trẻ có thể thực hành nói những câu như: “Chúng ta hãy xem xét ưu và nhược điểm của từng ý tưởng,” hoặc “Tớ nghĩ điều này sẽ hiệu quả vì…”

7. Lắng nghe người khác

Giữ lại suy nghĩ của mình để lắng nghe người khác có thể là một thử thách. Trẻ gặp khó khăn về sự tập trung hoặc trí nhớ làm việc có thể thường xuyên ngắt lời vì sợ quên mất điều mình định nói. Bạn có thể dạy con một số mẹo để nhớ lại suy nghĩ của mình, chẳng hạn như giữ trong đầu một “từ khóa,” ghi chú nhanh hoặc thậm chí tự gửi tin nhắn cho mình.

Hãy thực hành các cuộc trò chuyện nhanh với con. Ví dụ, cách tốt nhất để thêm ý tưởng mới vào cuộc trò chuyện là gì? Có thể thử: “Tớ thích ý tưởng của bạn. Nó làm tớ nghĩ đến một điều khác…”

8. Lên kế hoạch đi chơi với bạn bè

Gặp gỡ bạn bè rất vui, nhưng đôi khi trẻ không biết cách đưa ra kế hoạch cụ thể. Trẻ thường chỉ nghĩ đến điều mình muốn làm và gặp khó khăn khi phải thỏa hiệp.

Hãy giúp con liệt kê các hoạt động con thích và thực hành các tình huống trò chuyện khác nhau.

Ví dụ, nếu con nói: “Này, đi xem phim đi,” bạn có thể trả lời: “Được thôi” hoặc “Không, tớ không muốn xem phim.” Hãy dạy con cách đưa ra phương án thay thế: “OK, thế bạn muốn làm gì? Tớ cũng thích…” hoặc “Có thể hôm khác mình đi xem phim, còn hôm nay thử cái khác nhé?”

Điểm chính cần ghi nhớ
 

Thực hành nhập vai các tình huống xã hội phổ biến như khen ngợi ai đó có thể giúp trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội


Hãy diễn tập cả các kịch bản tốt và xấu để con hiểu rõ hơn cách phản ứng.


Trẻ nên luyện tập với bạn trước để cảm thấy thoải mái hơn với các tín hiệu và quy tắc xã hội.

Nguồn tài liệu

Nội dung trong bài viết này được chuyển ngữ và biên tập từ bài gốc "8 social situations to role-play with your middle-schooler  (understood.org)".

Nguồn tin: understood.org

Xem thêm các tin khác

4 tình huống xã hội giúp trẻ tiểu học mắc ADHD rèn luyện kỹ năng xã hội

4 tình huống xã hội giúp trẻ tiểu học mắc ADHD rèn luyện kỹ năng xã hội

Hiểu về khó khăn của ADHD trong kỹ năng xã hội

Hiểu về khó khăn của ADHD trong kỹ năng xã hội

7 tình huống xã hội để giúp trẻ ADHD tuổi teen rèn luyện kỹ năng giao tiếp

7 tình huống xã hội để giúp trẻ ADHD tuổi teen rèn luyện kỹ năng giao tiếp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây