Cách tăng cường giao tiếp cho trẻ tự kỷ
1. Thay đổi cách thức giao tiếp của người lớn để giúp trẻ tự kỷ giao tiếp
Ngồi ở vị trí thích hợp để trẻ có thể dễ dàng giao tiếp với trẻ
Để giúp trẻ tự kỷ dễ dàng giao tiếp, bạn hãy điều chỉnh tư thế ngồi của mình ngang tầm mắt của trẻ.
Ví dụ:
Trẻ ngồi trên ghế - bạn ngồi dưới sàn nhà; trẻ đứng – bạn quỳ; trẻ ngồi dưới sàn nhà – bạn có thể nằm xuống.
Khuyến khích, thay vì ép trẻ tham gia hoạt động
Một số trẻ tự kỷ thường khó chơi một trò chơi mới hoặc tham gia một hoạt động chơi nào đó. Khi trẻ bối rối, bạn hãy giúp trẻ lúc đầu rồi khuyến khích trẻ tiếp tục. Như vậy, bạn đang tạo cơ hội phát triển các sở thích cá nhân và khuyến khích trẻ giao tiếp nhiều hơn.
Ví dụ:
Trẻ thích ô tô nhưng không chưa biết tự vẽ, bạn có thể vẽ mẫu một phần và để trẻ hoàn thành nốt bức tranh; hoặc vẽ bức tranh bằng bút chì và để trẻ tô lại bằng bút màu.
Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động hằng ngày
Điều quan trọng khi dạy một trẻ tự kỷ là những gì bạn dạy phải “sống” được trong đời sống hằng ngày của trẻ. Hơn nữa đây là một quá trình dài ngày. Vì thế, hãy lồng ghép dạy trẻ trong các hoạt động hằng ngày như nấu ăn, chăm sóc cây, dọn nhà... Bằng cách đưa trẻ tham gia, bạn đang tạo ra cơ hội để trẻ học tập và trở nên độc lập hơn. Ban đầu, trẻ có thể chỉ phụ giúp bạn một số việc vặt như: nhặt rau, đổ rác... Rồi đến làm một món ăn đơn giản như rán trứng. Đây cũng là cơ hội tốt để trẻ học lắng nghe, làm theo yêu cầu, bắt chước.
Cường điệu hóa
Để duy trì hứng thú và sự chú ý của trẻ với hoạt động, đôi khi bạn sẽ cần phải cường điệu hóa giọng nói và hành động của mình để tăng thêm sự vui vẻ, háo hức của trẻ trong khi chơi. Chẳng hạn, khi trẻ đẩy xe ô tô từ trên cầu xuống, bạn có thể bình luận “xe chạy rồi” hoặc “wow xe chạy rồi” kèm theo giọng nói vui vẻ và khuôn mặt háo hức.
Tận dụng khoảng chú ý của trẻ
Với trẻ tự kỷ, sẽ khó để trẻ chú ý và duy trì chú ý vào một hoạt động. Vì vậy, khi nào trẻ chú ý tới một hoạt động hoặc đồ vật nào đó – có thể không phải là đồ chơi, bạn hãy nhanh chóng tận dụng những khoảng chú ý đó và tạo ra các cơ hội giao tiếp cho trẻ.
Ví dụ:
Trẻ đang chú ý đến một tờ giấy, bạn có thể nhanh chóng gấp lại thành cái máy bay và dạy trẻ sử dụng từ “máy bay” hoặc “bay”.
Khuyến khích trẻ sử dụng nhiều phương thức giao tiếp
Vui chơi là cơ hội tốt để bạn dạy trẻ sử dụng các phương thức giao tiếp khác nhau như: chỉ trỏ, giao tiếp mắt, gật đầu, lắc đầu...
Ví dụ:
Khi thổi bong bóng xà phòng, bạn có thể hướng dẫn trẻ chỉ tay về phía quả bóng để khoe; hoặc yêu cầu trẻ cần nhìn bạn để bạn tiếp tục thổi bóng; trẻ có thể học cách nói “có/không” kèm “gật đầu/lắc đầu” khi bạn hỏi trẻ có muốn chơi tiếp không.
2. Tạo động lực để trẻ tự kỷ giao tiếp
Tạo ra sự háo hức, mong đợi của trẻ khi chơi
Sự háo hức, mong đợi có thể làm trẻ chú ý tốt hơn và nỗ lực hơn để giao tiếp. Bạn có thể tạo ra sự háo hức bằng việc sử dụng những đồ chơi trẻ thích hoặc bất ngờ dừng lại một hoạt động mà trẻ đang quan tâm.
Ví dụ:
Bạn giơ bong bóng xà phòng lên nhưng không thổi ngay, lúc này trẻ bắt buộc sẽ thực hiện các kỹ năng giao tiếp. Đó là hành vi yêu cầu (nói hoặc sử dụng cử chỉ điệu bộ), thể hiện cảm xúc (vui vẻ, háo hức), lựa chọn (thổi bóng to hoặc bóng nhỏ).
Tạo ra các trở ngại nhỏ trong trò chơi của trẻ
Một số trẻ tự kỷ có thể dành hàng giờ để ngồi chơi lắp ghép xếp các mảnh ghép trong bảng ghép hình, xếp lego. Thay vì cho trẻ tất cả mảnh ghép, bạn chỉ đưa một phần và giữ lại phần còn lại nhằm tạo cơ hội cho trẻ giao tiếp với bạn để có thêm đồ chơi. Bạn cũng có thể sử dụng cách này với đồ ăn trẻ thích, những cái bút màu trẻ cần để hoàn thành bức tranh.
Đa dạng hóa trò chơi trẻ đang quan tâm
► Chơi đồ chơi bằng nhiều cách
Trước khi chơi cùng trẻ, bạn hãy dành thời gian chơi thử với đồ chơi và nghĩ ra các ý tưởng chơi khác nhau với đồ chơi đó.
Ví dụ:
Trẻ thích bóng, bạn có thể chơi lăn bóng, đá bóng vào mục tiêu, chuyền bóng, ném bóng vào rổ... Sau đó, bạn hãy nghĩ đến việc trẻ cần sử dụng những kỹ năng giao tiếp nào khi chơi với bạn và cố gắng tạo ra các tình huống giao tiếp để trẻ có thể sử dụng các kỹ năng đó.
► Mở rộng kỹ năng chơi của trẻ
Trẻ tự kỷ thường chơi khá rập khuôn. Do vậy, bạn cần tập trung vào việc phát triển kỹ năng chơi của trẻ. Chẳng hạn, trẻ thích nhặt các viên bi và để vào các hộp màu khác nhau, bạn có thể hướng dẫn trẻ sử dụng một cái kẹp để gắp những viên bi và để vào hộp.
► Mở rộng sở thích, mối quan tâm của trẻ
Một số trẻ tự kỷ thường chỉ quan tâm và chơi với một số đồ chơi nhất định. Trẻ có thể không chơi hoặc loay hoay không biết làm thế nào để chơi được một món đồ chơi mới. Hãy nghĩ ra và sử dụng các đồ chơi khác có liên quan hoặc có thể chơi cùng với đồ chơi trẻ đang quan tâm để giúp trẻ hiểu: Có thể kết hợp nhiều đồ chơi trong một trò chơi. Trẻ đang đẩy xe ô tô, bạn có thể chuẩn bị thêm một số con vật để trẻ chở đi...
3. Sử dụng các công cụ trực quan
Sử dụng hình ảnh
► Mở rộng kỹ năng giao tiếp
Nhiều trẻ có thể nói được vài từ hoặc cụm từ nhưng lại khó nói được câu dài. Bằng cách sử dụng hệ thống tranh ảnh (AAC, PECS), bạn có thể hướng dẫn trẻ sắp xếp lại các từ ngữ và nói được một câu hoàn chỉnh hơn.
► Phát triển trò chơi
Một số trẻ tự kỷ cần được hỗ trợ để chơi các trò chơi phức tạp hơn. Lúc này, bạn có thể chuẩn bị hình ảnh về các bước chơi và đưa cho trẻ như một gợi ý để trẻ có thể tự quan sát và làm theo thứ tự của các hình ảnh.
Đưa ra các cơ hội cho trẻ lựa chọn
► Lựa chọn hoạt động
Bạn có thể chuẩn bị một tấm bảng có các hình ảnh về các món đồ chơi khác nhau cho trẻ lựa chọn. Sau đó, khuyến khích trẻ nhìn vào bảng và lựa chọn tấm thẻ có hình ảnh trò chơi mình muốn, sau đó nói cho bạn biết trẻ muốn chơi trò chơi nào. Bằng cách đó, bạn đã đem lại cho trẻ thêm cơ hội lựa chọn các hoạt động khác nhau, thay vì chỉ chọn và chơi một đồ chơi nhất định.
► Lựa chọn chất liệu, đồ chơi
Trẻ có thể chỉ thích một số đồ chơi và chất liệu nhất định. Bạn có thể chuẩn bị các chất liệu, đồ chơi khác nhau và đưa ra gợi ý để trẻ chơi.
Ví dụ:
Trẻ thích tô màu, bạn có thể hướng dẫn trẻ chọn bút màu sáp, bút màu dạ, màu nước... hoặc tô trên giấy thường, tô trên vải.
Hãy thử áp dụng các phương pháp nói trên, bạn sẽ có thể đồng hành một cách tích cực trên con đường tạo những cơ hội giao tiếp cho trẻ tự kỷ và giúp con có nhiều tiến bộ trong học tập, sinh hoạt hàng ngày. |
Nguồn tin: vinmec.com
Xem thêm các tin khác
ADHD và rối loạn hành vi phá hoại (CD và ODD)
Bạn có thể đã nghe mọi người sử dụng những cụm từ như mất kiểm soát hoặc...
ADHD và sự hung hăng
Nhiều trẻ mắc ADHD dễ nổi giận. Chúng cảm thấy cảm xúc mãnh liệt và có thể gặp...
ADHD và thay đổi tâm trạng
Những người mắc ADHD thường gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc của mình. Họ...