en ko vi

Giấc mơ của tiến sĩ Choi

24/08/2014
52 tuổi, chuẩn bị trở thành hiệu phó một trường ĐH tại Hàn Quốc, tiến sĩ Choi Young Suk đột ngột quyết định: nghỉ hưu, dùng toàn bộ thời gian để sống và chia sẻ với trẻ em khuyết tật VN.
Tiến sĩ Choi - Ảnh: M.Vinh
Tiến sĩ Choi - Ảnh: M.Vinh
Chồng bà, doanh nhân Kwon Jang Soo, cũng ngưng công việc kinh doanh ôtô để cùng vợ sang Đà Lạt. Ông trở thành người hỗ trợ đắc lực nhất cho bà trong mọi dự án giúp đỡ trẻ khuyết tật.

Suy nghĩ từ chuyến đi tu nghiệp

"Hai vợ chồng tôi đã quyết định chọn VN làm nơi cống hiến phần đời còn lại. Đây mới là lúc bắt đầu, còn đến mấy chục năm nữa để chúng tôi làm việc. Sống và khi chết đi tôi muốn được chôn trên đất nước VN này. Tôi muốn làm một người hàng xóm có trái tim ấm áp cùng các bạn!"

Tiến sĩ CHOI

Nói chuyện với cô Choi, người ta có thể ngồi cả ngày nghe chưa hết chuyện. Với vị tiến sĩ Hàn Quốc này, câu chuyện xoay quanh bà là câu chuyện của những đứa trẻ khuyết tật với chương trình giáo dục đặc biệt.

Hình như có đến hai, ba con người trong bà. Một cô Choi xinh đẹp, tươi tắn, hát hay và nghiêm túc. Một cô Choi khác có thể quăng giỏ đi, nhảy tưng tưng cùng lũ trẻ câm điếc khi chúng vây lấy chân cô. Một cô Choi điêu luyện khi bắt chước từng tư thế của một đứa trẻ bị vẹo cột sống hay chứng tật thiểu năng nào đó...khi giới thiệu các dụng cụ trị liệu cho trẻ khuyết tật.

Cô Nguyễn Thị Nhàn, hiệu trưởng Trường khiếm thính Lâm Đồng, kể rằng bất cứ khi nào cô Choi mà thấy con nít thì lập tức trở thành bạn bè với chúng một cách tự nhiên đến kỳ lạ. Cô hát, múa, giỡn... coi như không có người lớn nào bên cạnh mình.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2006, khi đó tiến sĩ Choi có thời gian tu nghiệp về giáo dục đặc biệt hai tháng tại Nhật. Có một giáo sư người Anh giảng dạy. Vị đó 62 tuổi rồi và ông quyết định sống đến hết đời tại Nhật để giúp đỡ ngành giáo dục đặc biệt của Nhật. Từ chuyện này, tiến sĩ Choi suy nghĩ thật nhiều. Đầu tiên, cô nghĩ khi về hưu sẽ dành trọn cuộc đời mình đến một quốc gia đang phát triển nào đó và giúp đỡ những đứa trẻ khuyết tật.

Rồi trong một chuyến bay trở về, tiến sĩ Choi tâm sự với chồng rằng mình nên nghỉ hưu sớm, dùng toàn bộ thời gian còn lại giúp người khác để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Ông Kwon gật đầu. Vậy là họ lên một kế hoạch đến VN. Năm 2009, cô Choi mời đại diện sở giáo dục - đào tạo và hiệu trưởng trường khiếm thính và Trường thiểu năng Hoa Phong Lan ở Đà Lạt đến làm việc với lãnh đạo ngành giáo dục của thành phố Busan và Đại học Daegu - một trung tâm quan trọng nhất về giáo dục đặc biệt ở Hàn Quốc.

Sau đó, cô nộp đơn xin nghỉ hưu sớm. Tất cả mọi người bất ngờ bởi cô đang sắp được đề cử làm hiệu phó trường đại học, có mọi bằng cấp cần thiết, có kinh nghiệm giảng dạy. Có người bảo cô “không bình thường” vì nếu xin nghỉ thì đi Anh, Mỹ không đi, lại sang VN. Tháng 2-2010, tiến sĩ Choi nghỉ việc.

Sau đó cô và chồng bắt đầu dùng toàn bộ số tiền về hưu mua giáo trình, giáo cụ... để đóng thùng mang về VN. Ngày đó, họ đến Trường khiếm thính Lâm Đồng và làm mọi người bất ngờ vì hai xe tải lớn chở đồ dùng dạy học. Trường khiếm thính không đủ chỗ, cô Choi thuê một ngôi nhà ba tầng vừa để ở vừa chứa dụng cụ học tập.

Từ thay đổi ở trường khiếm thính

Đó là thời điểm chưa biết tiếng Việt, phải dùng mọi thứ ngôn ngữ, kể cả vẽ, múa tay múa chân... để giao tiếp. Tại trường khiếm thính, cô đề xuất thay đổi phương pháp hướng dẫn các em “múa tay” trong giao tiếp. Cô cho trẻ con đeo máy trợ thính, bắt đầu tập các phương pháp kích thích giao tiếp để các em có thể dần giao tiếp nhiều hơn.

Lớp học thay vì quá nghiêm, cô Choi cho trẻ chơi và học. Ở đó, trẻ có thể tập chơi game, làm quen việc nghe phản ứng với ngôn ngữ, nghe nhạc... Người ta bắt đầu tập thêm cho trẻ làm món ăn, cho trẻ học quay phim, chụp hình chính những hoạt động của mình rồi chiếu cho trẻ xem để kích thích nói. Bắt đầu có những chuyến đi dã ngoại bên ngoài.

Một chuyến đi được chuẩn bị công phu có quay phim, chụp ảnh. Khi trẻ đi xong, về nhà chúng sẽ ồ lên khi coi lại hình ảnh của mình trong chuyến đi rồi bật lên tiếng nói. Đó là cách kích thích trẻ giao tiếp một cách tự nhiên, không ép buộc. Thay vì may một chú gà vải hay con búp bê bình thường, cô Choi nghĩ đến những hạt cà phê rang thơm lừng của Đà Lạt.

Thế là trường khiếm thính có những sản phẩm đặc biệt: búp bê cà phê, con gà cà phê... mà để ở đâu chúng cũng tỏa hương thơm lừng. Trẻ biết thêu tranh, nhưng làm một bức tranh cả tháng. Cô Choi bèn nghĩ tới những miếng nhãn dán của các hãng cà phê, những cái buộc tóc nho nhỏ với vài đường thêu ngộ nghĩnh và thời gian cho ra sản phẩm rất ngắn.

Vậy là lũ trẻ có sản phẩm. Cô Choi mang sản phẩm học trò đi chào bán cho bạn bè, doanh nghiệp người Hàn. “Thật sự thì việc làm ra sản phẩm, bán lấy tiền không quan trọng bằng giúp lũ trẻ thấy chúng có ích. Đó mới là mục đích của giáo dục!” - cô Choi nói.
 

Lời đề nghị đặc biệt

Trước khi rời Hàn Quốc, ông bà làm di chúc cho người con trai duy nhất rồi dùng toàn bộ tiền hưu của mình - mà bà bảo nhiều lắm, trong vòng một năm đi khắp mọi nơi mua toàn bộ thiết bị hỗ trợ việc dạy học cho trẻ khuyết tật, đóng vào container gửi sang VN. Chưa hết, bà làm một quyển sổ to, đi gặp hết bạn bè là doanh nhân, trí thức ở Hàn Quốc đề nghị họ ký tên vào đó. Quyển sổ có một lời đề nghị đặc biệt: Hãy hứa rằng trong cuộc đời, bạn sẽ thu xếp một lần đến VN và hãy giúp một đứa trẻ khuyết tật nơi đó. Cuốn sổ theo chân ông bà đi khắp Hàn Quốc. Tiến sĩ Choi có 25 năm là giảng viên ngành giáo dục đặc biệt Trường ĐH Daegu - một trường ĐH thành lập năm 1956, ở phía đông nam Hàn Quốc. Đối tượng của bà là trẻ kém may mắn trong cuộc đời.

Những ngày đầu, thấy ghế lũ trẻ ngồi học không có chỗ tựa, cô gọi cho bạn bè ở Hàn Quốc đề nghị mỗi người giúp cô một chiếc ghế. Những phòng ở các em hơi tối, cô gọi nơi này nơi kia xin bóng đèn. Bắt đầu có tiểu cảnh, hoa, cá... trong hành lang trường. Cô lập một thư viện mang tên “Giấc mơ”, ở đó học trò có thể xem tivi, đọc sách và vui chơi. “Tôi muốn trẻ em khiếm thính xem sách và có những giấc mơ của mình. Thật ra thì tôi cũng có một giấc mơ, đó là mơ tới một ngày ngôi trường này phát triển, đẹp lên và dịp cuối tuần những đứa trẻ bình thường sẽ đến chơi, đọc sách rồi giao tiếp với các em câm điếc. Như thế tốt hơn là để chúng tự “múa dấu” với nhau!”.

Cứ như thế, từng bước, từng bước cô cùng cô Nhàn (hiệu trưởng) và những giáo viên của trường tạo nên một sự khác biệt lớn ở trường khiếm thính. Họ thay đổi cách giáo dục tích cực từ chính giáo viên, bước qua cả những giới hạn mà trước đây không bước qua được.

Có một chi tiết làm cô Choi nhắc lại vẫn rất cảm xúc: “Theo quy định trước đây, học sinh chỉ được đeo máy trợ thính một số giờ trong ngày. Còn thì phải tháo ra cất đi. Tôi hỏi tại sao không cho trẻ đeo suốt. Mọi người giải thích đeo suốt mau hư máy. Máy đắt tiền lắm! Tôi trợn mắt hỏi ngược lại: Thế cái máy mắc bao nhiêu tiền, có bằng cái tai của học sinh nó hư đi không? Vậy là thay đổi!”.

Đến trung tâm giáo dục đặc biệt

Một ngày, Trường thiểu năng trí tuệ Hoa Phong Lan của Đà Lạt xuất hiện tấm bảng nhỏ mang tên “Trung tâm hỗ trợ giáo dục đặc biệt”. Nhìn bên ngoài cũng bình thường nhưng chỉ cần bước vào trong mọi người sẽ bất ngờ bởi khó nghĩ ở một địa phương “tỉnh lẻ” như Đà Lạt lại có một trung tâm rất hiện đại dành cho trẻ khuyết tật trang bị thiết bị hiện đại nhất từ Hàn Quốc.

Đây là công trình sau hai năm chuẩn bị miệt mài của tiến sĩ Choi và những tình nguyện viên Hàn Quốc. Với nguồn vốn 24 tỉ đồng tài trợ từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc, với các quan hệ riêng của mình, tiến sĩ Choi mang về cho Lâm Đồng một trung tâm hỗ trợ giáo dục đặc biệt với những chuyên gia hàng đầu về giáo dục đặc biệt của Hàn Quốc. Trung tâm đã hoàn tất việc tập huấn giáo dục đặc biệt cho 10 giáo viên cơ hữu của mình.

“Tôi muốn từ giáo viên, chúng ta sẽ có học sinh. Từ những người thầy có được phương pháp giáo dục đặc biệt tiến bộ nhất, chúng ta sẽ có một môi trường giáo dục đặc biệt khoa học và nhân văn nhất cho trẻ em khuyết tật”.

Tiến sĩ Choi nói thật: “Tôi không phải người có đủ sức mạnh để làm tất cả, tôi muốn mọi người cùng chung tay. Tôi muốn xây dựng trung tâm này thành trung tâm giáo dục đặc biệt lớn nhất ở VN, để mọi giáo viên dạy trẻ khuyết tật có thể tham quan và được đào tạo từ nơi này!”.

Thay vì xây nhà, hãy mổ tim cho người mẹ

Hai năm rồi gặp nhau, bao nhiêu câu chuyện tôi tưởng biết về cô Choi té ra là chưa biết. Người phụ nữ Hàn Quốc này thường dùng thứ bảy, chủ nhật của mình đi với các hội chữ thập đỏ về vùng sâu vùng xa lặng lẽ giúp từng chiếc xe đạp, góp tiền xây từng ngôi nhà nhỏ cho những số phận nghèo. Bà hay ẩn mặt trong các câu chuyện giúp đỡ của mình.

Thường nguyên tắc của bà là “giúp một phần”, phần còn lại sẽ vận động những người hàng xóm xúm vào, người giúp công, người giúp của... để hình thành một ngôi nhà cho người bên cạnh họ. “Khi góp vào như thế, người ta sẽ thấy cuộc sống sẻ chia là có giá trị như thế nào!”.

Mới tuần trước, bà bảo vừa tài trợ cho một ca mổ tim ở phường 4. Câu chuyện nghe là vậy. Nhưng tìm hiểu kỹ, đó không chỉ là một ca mổ tim thông thường. Ngày hôm ấy, bà đi cùng hội chữ thập đỏ định khảo sát cất một ngôi nhà tình thương.

Đến nơi bà biết được một câu chuyện khác hơn: “Trong ngôi nhà ấy có một người mẹ và hai đứa con. Người mẹ bị bệnh tim rất nặng nhưng không tiền mổ. Suy nghĩ rồi tôi quyết định thay vì xây nhà, tôi sẽ lo ca mổ tim cho người mẹ. Tôi muốn tặng một món quà lớn nhất cuộc đời của hai đứa trẻ - đó là người mẹ của chúng!”.

Tác giả bài viết: NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

Nguồn tin: tuoitre.vn

Xem thêm các tin khác

BNI Lâm Đồng Thăm Ngôi Nhà Yêu Thương & Chia Sẻ Chi Nhánh Đức Trọng

BNI Lâm Đồng Thăm Ngôi Nhà Yêu Thương & Chia Sẻ Chi Nhánh Đức Trọng

Chương trình chuẩn bị hành trang cho ngày không có ba mẹ

Chương trình chuẩn bị hành trang cho ngày không có ba mẹ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây