en ko vi

Âm thanh ngân lên từ... tĩnh lặng

03/05/2021
Mỗi lần đến với ngôi trường ấy, Trường Khiếm thính (KT) Lâm Đồng, tôi thêm lần thấm câu nói của nữ nhà thơ Anh - Christina Rossetti: “Sự im lặng du dương hơn bất kỳ bài hát nào”. Các em nam nữ học sinh (HS) tuổi từ 4 đến 12, “điếc sâu điếc nặng”, “nghe” bằng mắt, “nói” và “hát” bằng tay nhưng luôn là không gian của hiền minh...
“Hát” Quốc ca chào cờ... bằng tay

Từ san sớt tình thương, dạy dỗ điệu bộ

Ngôi trường giáo dục đặc biệt này nhiều năm nay, với tôi nhiều cung bậc cảm xúc dâng đầy. Khi cùng đoàn chuyên gia nước ngoài đến trợ giúp, khi tham gia trao quà từ thiện, nhiều nhất là “mục sở thị” các HS nơi căn phòng nhỏ ấm áp học bài, đọc sách,…; nơi khoảng sân thoai thoải triền đồi, các em chào cờ, múa, tổ chức trò chơi… Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường KT Lâm Đồng chia sẻ chặng đường “40 năm hành trình lặng lẽ”: trường thành lập ngày 9/6/1980 theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Những năm đầu, Trường chỉ có 17 HS, một cán bộ quản lý và 2 giáo viên (GV). Tên trường thời ấy cũng xoáy tâm can mỗi người dừng chân trước cổng: “Trường nuôi dạy trẻ điếc câm”… Nhiệm vụ chỉ chăm sóc và dạy dỗ trẻ khuyết tật thính giác. Từ tháng 9/1995, trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Hành trình mới, chất chồng gian khó. Mọi hoạt động vươn lên chức năng giáo dục chuyên biệt, dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề. Là địa chỉ duy nhất của tỉnh Nam Tây Nguyên nuôi dưỡng và phát triển thể chất, phục hồi chức năng nghe nói, bồi dưỡng và phát triển vốn ngôn ngữ đọc viết thông qua sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Mong các em tiếp thu kiến thức, giao tiếp, hòa nhập cộng đồng và định hướng nghề nghiệp trong độ tuổi THCS. 
 
Lần lần, Trường KT Lâm Đồng lớn lên theo năm tháng, cả quy mô và chất lượng giáo dục. Năm học 2020-2021, “ngôi nhà yêu thương” này có 130 HS, một lớp can thiệp sớm, 4 lớp mầm non, 7 lớp tiểu học và 4 lớp THCS. Các em KT đến từ nhiều chân trời khác nhau, có nhiều con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh Lâm Đồng. Chập chững qua ranh giới bỡ ngỡ, tự ti, các em dần hòa thành khối đoàn kết, khôn lớn trong vòng tay tận tâm yêu thương và chăm sóc, dạy dỗ của bảo mẫu và thầy cô giáo. Các em được học văn hóa, học định hướng các nghề may, thêu, làm bánh, trồng cây, làm trà hoa, tranh đá, chậu hoa tiểu cảnh, làm các món ăn… Các em được hoạt động rèn luyện sức khỏe thể chất như học bơi, đá bóng, học võ thuật; được giáo dục kỹ năng sống… Ai từng uống ly cà phê các em pha tại quán sẽ ngấm dư vị thẳm sâu. Ai từng ngắm những bức tranh thêu, những bức tranh gắn đá, những tiểu cảnh… sẽ cảm nỗi khao khát cháy bỏng của tuổi thơ khuyết tật. Tất cả những lớp học đều miễn phí nhờ tấm lòng thơm thảo của các nhà thiện nguyện. Không gian sinh tồn đó đã thu hút tới 95% số HS ở nội trú. 
 
Một phụ huynh giấu tên, nhà cách trường trên 70 km, suốt 8 năm đưa con đến học Trường KT Lâm Đồng tỏ bày rất nhiều cảm xúc tri ân Nhà trường. Chị kể về sự nuôi dạy tận tâm, kể về sự làm đầy tình mẫu tử bằng việc trang bị phương pháp giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu cho mẹ. Chị kể việc cô mua đôi dép mới, việc tặng máy trợ thính 20 triệu đồng của vợ chồng người Hàn Quốc. Chị nói: “Bây giờ con tôi đã 14 tuổi, đã biết viết, biết đọc, biết nói, biết thêu tranh, dù hơi khó nghe nhưng thật sự là mình cảm thấy rất vui và hạnh phúc”…

Đến ký hiệu và truyền thụ song ngữ

Trường KT Lâm Đồng “là một trong những trường chuyên biệt đi đầu cả nước với nhiều nỗ lực xây dựng chương trình phù hợp đối với HS KT; lựa chọn sử dụng ngôn ngữ ký hiệu như một phương pháp, phương tiện dạy học hữu hiệu và đặc thù nhất trong quá trình truyền thụ kiến thức cho HS KT”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Minh chia sẻ. 
 
Từ năm học 2015-2016, cựu HS của trường, tốt nghiệp đại học chuyên biệt, 2 người trở về mái ấm xưa làm GV, vừa truyền thụ cho HS, vừa chuyển giao cho GV phương pháp giảng dạy rất đặc biệt, đó là song ngữ, kết hợp ngôn ngữ ký hiệu với chữ viết. Điều kiện này giúp trường tiếp cận Dự án Giáo dục trẻ KT trước tuổi đến trường (IDEO); được hỗ trợ trực tiếp 2 năm Dự án “Khi người điếc nghe”. 100% GV đều qua đào tạo và bồi dưỡng chương trình thính học và ngôn ngữ ký hiệu. Trường KT Lâm Đồng có 3 GV khiếm thính, trong đó một thạc sĩ ngôn ngữ ký hiệu, càng trở thành động lực lớn để đội ngũ mạnh dạn đưa ngôn ngữ ký hiệu vào sử dụng rộng rãi trong tất cả các môn học. GV trẻ Hoàng Thị Mỹ Phương bộc bạch sau 2 năm về dạy ở trường: “Điều hết sức đặc biệt và thú vị là các em HS trở thành những người trợ giảng đắc lực cho tôi mỗi khi bài dạy của tôi gặp khó khăn do tôi chưa vững vàng trong việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu”. 
 
GV Võ Duy Quang, cựu HS Trường KT Lâm Đồng bùi ngùi nhớ những tháng năm học ở trường: “Tôi cũng rất cố gắng chăm chú ngồi tiếp thu qua đôi mắt. Cô Nguyễn Thị Lợi cố gắng sử dụng khẩu hình thật to, nói thật lớn để giúp chúng tôi hiểu được bài… Tôi nhìn nỗ lực truyền đạt kiến thức trông rất vất vả của cô và thấy rất thương cô… Chữ viết của tôi xấu, cô buồn và cố gắng giúp đỡ tôi…”. Giờ thì cô Lợi trưởng thành là hiệu phó, trò Quang tốt nghiệp đại học chuyên biệt là đồng nghiệp cùng các cô. (Nguyễn Thị Lợi vốn là sinh viên sư phạm chúng tôi đào tạo 27 năm trước. Duy Quang là học trò của cô Lợi khi cô mới tốt nghiệp trường sư phạm 3 năm). Cảm ơn cuộc đời này, những đơm nụ kết trái! Những mùa ngọt mới sẽ dâng hương ở môi trường này, từ sự truyền cảm hứng và ánh sáng cống hiến thầm lặng như thế. Đúng như cô giáo Lê Thị Nga sau 3 năm về trường nói: “Rồi thời gian qua, tôi cũng hòa vào cùng sự lặng thinh ấy, đôi mắt tôi đã biết nghe, đôi tay tôi đã biết nói…”. 
 

Và những lời ca ngân lên… bằng tay 

Tại Lễ trao chứng nhận GV giỏi tỉnh Lâm Đồng hôm 3/4, chương trình văn nghệ đặc sắc trước hơn 500 người dự khán. Đặc biệt, tiết mục của HS Trường KT Lâm Đồng “đốn tim” người xem. Đó là múa tác phẩm không lời của nước ngoài, “Chắp cánh ước mơ”. Trang phục áo dài màu trắng muốt tinh khôi của nam nữ HS và một bạn tà áo đỏ là điểm nhấn. Cả một khối duyên dáng và mềm mại, cố kết bên nhau, trong nhau, dồn tình yêu thương nâng đỡ nhân vật chính, bằng ngôn ngữ hình thể điêu luyện và nhịp nhàng. Thanh âm du dương trầm bổng, réo rắt, lúc văng vẳng tiếng vọng, dư ba, vắng xa để rồi gần gũi. Hội trường thinh lặng, như uống từng giọt âm thanh, như neo với từng ngôn ngữ múa… Thầy giáo Nguyễn Quốc Túy, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Lâm Đồng (Trưởng phân đường Nghĩa Dũng Karate-do Lâm Đồng cử môn đệ dạy võ miễn phí cho HS Trường KT) bày tỏ cảm xúc: “Trên sàn tập, huấn luyện viên phải dùng ký hiệu để bắt nhịp cho các em luyện quyền múa cước. Võ sinh “lắng nghe” bằng thị giác, cả tiếng thét Kiai cũng chỉ là âm thanh ú ớ. Thầy võ, vừa trừng mắt giữ nghiêm nếp võ, vừa cố gắng kìm lấy tiếng nấc trong lòng... Sân khấu hôm nay, những thiên thần áo trắng, những nghệ sĩ thực sự đang thi diễn màn múa về một khát vọng nào đó đã xa xôi, “xin cho tôi nguyên vẹn hình hài”... Nhạc thì vẫn du dương, nhưng là du dương với thính giả, những con tim cảm thông rụa ràn nước mắt”...
 
Tôi còn được chứng kiến những giây phút lặng yên, trang nghiêm giữa sân trường khi các em KT chào cờ Tổ quốc đầu tuần. Âm thanh bài hát “Quốc ca” vang lên, cô và trò cùng “cất tiếng”. Những tiếng lòng tha thiết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào bằng đôi tay non bé giữa sắc óng nắng Đà Lạt. Đây là lần thứ 2 tôi chứng kiến chào cờ thiêng liêng đến khó tả. Trước là ngoài đảo Trường Sa, những người lính dõng dạc cất lên, yêu thương vang trong lồng ngực, giữa sóng gió biển cả tư thế hiên ngang bất khuất tạc vào lịch sử. Giờ là nơi góc sân trường, đọng lại dáng những “cánh chim non”, lặng lẽ vượt lên số phận đong đầy yêu thương…
 
Tôi còn được chứng kiến nhiều buổi tập các bài múa của các em KT. Các em nhìn vào huấn luyện viên, hoặc bạn lớp trên đã thuộc, hoặc clip màn hình điện thoại bạn cầm. Huấn luyện viên sửa từng cử tay cho mỗi em, có lúc 2 người thị phạm đoạn múa đôi. Còn các em, tay đâu chỉ múa, lúc lúc người sau đập vai người trước với nụ cười thật tươi để “nói”: thế này này… Một, hai, ba, bốn, năm, sáu bảy, tám… đưa tay lên,… một, hai, ba, bốn… tiến lên, lùi xuống, quay sang trái sang phải, đứng, ngồi, quỳ, nằm xuống, kết hợp đôi bàn tay… Cô Lợi hiệu phó chia sẻ: “Các em là đối tượng điếc sâu điếc nặng, toàn từ 90 đề-xi-ben (dB) cả rồi thầy ạ. Vì vậy không cần nhạc, các em tập đi tập lại nhiều lần cho thành thục và chuyển tải được biểu cảm là thành công”. Sau buổi tập bài “Thế giới muôn hoa”, huấn luyện viên Nguyễn Thùy Hạnh Tâm, từng là diễn viên múa Đoàn Nghệ thuật Lâm Đồng cho biết, tiết mục sẽ tham dự Festival Hoa Đà Lạt nên trang phục là những bông hoa. Cô nói: “Lần đầu thì khó, nhưng dạy mấy năm rồi hiểu được nhau hơn. So với trường ngoài, các bạn tiếp thu, cảm về động tác nhanh hơn nhờ tập trung và không bị chi phối âm thanh bên ngoài. Thông qua người dịch bằng ký hiệu cho các bạn, ví dụ đây là động tác của những bông hoa tươi vui, các bạn hiểu và làm được nhanh”. Tôi còn được nghe trò Quang lớp 9 “đọc” thơ trong đêm đọc sách thông qua lời dịch của cô giáo Minh Thư. Bài thơ trong chương trình học, “Mùa xuân nho nhỏ” của tác giả Thanh Hải. Đôi bàn tay Quang chụm lại bung ra là “bông hoa”, vẫy ngang là “con chim chiền chiện”, hạ xuống là “giọt sương rơi”… Nét mặt của Quang biểu cảm đủ đầy sắc xuân tươi… Tôi cũng được tham gia cùng các em hội chợ do HS lớp 9 đứng quầy bán. Hàng là thật, cô và trò cùng làm, nước chanh, đông sương, nộm, đậu khuôn chiên, ni cô tài trợ một triệu mua nguyên liệu, nhưng tiền giao dịch là giả, in trên giấy. Những ánh mắt “hỏi” mua và bán, những bàn tay nhỏ xíu chỉ trỏ, hội chợ nhằm giúp các em tích lũy kỹ năng hòa nhập cộng đồng… 
 
Tôi cũng gặp vợ chồng người Hàn Quốc - Choi Young Sook và Kwon Jang Soo, tình nguyện viên gắn bó với Trường KT Lâm Đồng 11 năm nay. Bà Sook là tiến sĩ, chuyên gia về giáo dục đặc biệt. Tình thương yêu trẻ khuyết tật Việt Nam, ông bà trợ duyên đắc lực cho trường và nhiều trẻ em Việt Nam về vật chất và phương pháp dạy học. Tiến sĩ Sook nói: “Đà Lạt có trường, có GV rồi, nhưng chương trình dạy trẻ em KT chưa có. Chúng tôi tổ chức hội thảo khoa học dạy HS đặc biệt ở nhiều thành phố tại Việt Nam, Thái Lan… Vấn đề là dạy cho các em theo hướng can thiệp sớm”. Ông Soo nhận xét: “Cách đây 11 năm, trường này thiếu nhiều thứ. Các GV có tình thương nhưng quan trọng nữa là phương pháp hỗ trợ HS phát triển năng lực hòa nhập. Và rất cần xã hội cùng quan tâm, cần có chương trình giáo dục đặc biệt, kết hợp giáo dục đồng thời hướng nghiệp dạy nghề rất quan trọng. Ví dụ tổ chức cho các em khuyết tật mở quán cà phê tự pha chế để bán là mô hình đầu tiên ở Việt Nam”. Hiệu phó Nguyễn Thị Lợi nói thêm với tôi: “Hai ông bà rất tận tình với nhà trường. Chúng em được bù đắp nhiều, đặc biệt là phương pháp dạy trẻ khuyết tật. Ông bà trở thành người thầy và là “bố mẹ” đặc biệt của mái trường này”. 
 
Tôi chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Khoa Đăng, thầy cô giáo Trường KT thuộc nằm lòng: “Cô giơ tay khoát một vòng cung/Học trò viết chữ “trăng” vào vở/Cô sờ tay lên cằm các em ghi chữ “chú”/Chữ “mời” thì cô vẫy bàn tay (…) Tôi lặng nhìn những con mắt long lanh/Nói bằng mắt mà nghe cũng bằng mắt/Ngoài cửa sổ có con chim đến hót/Nhận ra mình, chỉ im lặng đứng nghe”… Hạnh phúc đong đầy. “Nhìn các em có công ăn việc làm ổn định, có nghề nghiệp, lập gia đình như bao thanh niên bình thường khác, trong tôi dậy lên cảm xúc: Thật không uổng công dạy dỗ của nhà trường với biết bao công sức và thành công của các em là phần thưởng cao quý nhất cho bản thân mình và cho ngôi trường đặc biệt này”, cảm xúc không chỉ của thầy giáo nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Hoa mà dào dạt trong tôi và trong mỗi người… 

Tác giả bài viết: MINH ĐẠO

Nguồn tin: baolamdong.vn

Xem thêm các tin khác

BNI Lâm Đồng Thăm Ngôi Nhà Yêu Thương & Chia Sẻ Chi Nhánh Đức Trọng

BNI Lâm Đồng Thăm Ngôi Nhà Yêu Thương & Chia Sẻ Chi Nhánh Đức Trọng

Chương trình chuẩn bị hành trang cho ngày không có ba mẹ

Chương trình chuẩn bị hành trang cho ngày không có ba mẹ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây